Mưa bão, lũ diễn biến phức tạp hơn trong năm nay

Thứ tư - 07/09/2016 08:15 318 0
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đã có tác động rõ rệt đến thời tiết, khí hậu nước ta trong năm 2015, các tháng đầu năm 2016. Khả năng đến cuối 2016 sẽ xuất hiện hiện tượng La Nina.
Đợt mưa tháng 7 vừa qua quật ngã nhiều cây xanh ở Hà Nội.
Đợt mưa tháng 7 vừa qua quật ngã nhiều cây xanh ở Hà Nội.

Dự báo và nhận định tình hình thiên tai như sau: Ít bão ảnh hưởng và thiếu hụt mưa nhưng có mưa lớn trái mùa gây lũ; mùa mưa với ít đợt mưa lớn nhưng có đợt kỷ lục; mùa lũ phổ biến là lũ vừa và nhỏ, đặc biệt là ở Tây Nguyên, Nam Bộ; nhiều dông sét mạnh kỷ lục; nhiều nắng nóng; hạn hán, xâm nhập mặn ở mức khốc liệt; rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết hiếm gặp.

          Xu thế ít bão, nắng nóng, thiếu hụt mưa gây hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp diễn trong các tháng đầu mùa mưa, bão lũ năm 2016, nhưng đến cuối mùa sẽ có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ với diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015.

          Những tháng tiếp theo, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh, do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao. La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường, kéo dài 8-12 tháng, hoặc lâu hơn, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy. Hiện tượng La Nina sẽ gây nhiều bão tố trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão ở Thái Bình Dương. Ở Mỹ, nhiệt độ mùa đông ấm hơn mức thông thường ở vùng Đông Nam và lạnh hơn ở vùng Tây Bắc. Nhiệt độ hạ xuống thấp đáng kể nên sẽ gây ra trận rét đậm rét hại cho khu vực chịu ảnh hưởng.

Cũng theo thông tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến hiện tượng thủy văn trong năm 2016 như sau:

Bão và áp thấp nhiệt đới

Nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn/năm); trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (trung bình nhiều năm khoảng 5-6 cơn) và tập trung vào những tháng cuối năm (tháng 8-11/2016).

Nhiệt độ, nắng nóng

Trong tháng 5/2016, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 1,0-1,50C.

Tháng 6-8/2016, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,00C.

Tháng 9 và tháng 10/2016, ngoại trừ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,00C.

Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung nhiều trong thời đoạn từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 8/2016, tuy nhiên mức độ không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2015. Ngoài ra trong tháng 5 khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ sẽ tiếp tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng.

Lượng mưa

Ngoài trừ khu vực Bắc Bộ mùa mưa có xu hướng xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm, các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc thời điểm bắt đầu mùa mưa có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong thời kỳ chuyển tiếp (tháng 5/2016) trên phạm vi toàn quốc đề phòng hiện tượng dông mạnh kèm theo tố, lốc, mưa đá.

Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 6-8/2016, cần đề phòng các đợt mưa lớn trong thời gian ngắn. Lượng mưa tại khu vực Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lượng mưa ở Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng tháng 9/2016.

Lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 9,10 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%.

Thủy văn Bắc Bộ

Nguồn nước trên các sông Bắc Bộ trong các cuối mùa cạn tiếp tục có xu thế giảm dần, nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Lũ tiểu mãn xuất hiện muộn, nhỏ hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ năm 2015.

Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ trung bình nhiều năm với 2-3 đợt lũ lớn. Đặc biệt, lũ muộn có khả năng xảy ra tương tự như năm vừa qua. Lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra nhiều hơn năm 2015, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Bắc.

Khí tượng thủy văn biển

Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Nhận định gió mùa hè năm nay yếu hơn so với trung bình nhiều năm, sóng trên biển Đông và vùng ven bờ cũng sẽ có xu hướng lặng hơn so với năm 2015 và trung bình nhiều năm.

Bão, ATNĐ di chuyển hướng tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa đông bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm 2016.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống, bão, mưa lớn

Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát các tuyến đê trọng yêu: theo dõi thường xuyên dự báo thời tiết, thành lập các đội ứng cứu nhanh; chủ động và kịp thời trong công tác phòng, chống bão lũ. Về phía người dân, trong mùa mưa bão cần lưu tâm đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, cho vật nuôi và bảo đảm an toàn tài sản.

Bảo vệ đồ đạc: Khi nhà bị ngập lụt, cần nhanh chóng di chuyển các vật cần thiết, đồ điện, bình ga, những vật có giá trị… ở những nơi trong nhà mà lũ có thể dâng tới đến nơi cao hơn. Chuẩn bị các loại phương tiện che mưa, vải nhựa, túi nilon dày, chắc, dây chẳng để chứa những vật dụng cần thiết như giấy tờ, tài liệu, áo quần… chằng buốc các vật dụng trong nhà dễ bị trôi nổi khi lũ lụt. Ngắt kết nối các thiết bị điện, ga, nước.

Bảo vệ sức khỏe: Trong mùa mưa lũ, các vi sinh vật gây bệnh từ đất, bụi rác, chất thải hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh dễ phát triển mạnh. Các nguồn nước, công  trình cấp nước và vệ sinh bị phá hủy làm tăng nguy cơ gây bệnh. Các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn, bệnh dị ứng, bệnh do muỗi truyền, cảm lạnh rất dễ phát sinh. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời điểm này rất quan trọng. Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống… đồng thời quản lý gia súc, gia cầm một cách chặt chẽ. Phòng chống rắn, rết, ruồi, muỗi, bọ, chuột để bảo đảm vệ sinh chung.

Việc cần làm sau khi nước rút: Cần hết sức thận trọng khi bước vào nhà, lưu ý các đường dây diện có thể bị đứt. Không bật lửa nếu nghi ngờ có đường dẫn khí ga bị vỡ. Kiểm tra thực phẩm, vứt bỏ các loại thực phẩm nếu bị nhiễm bẩn. Kiểm tra nguồn nước, thanh lọc sạch nước nếu có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tránh sử dụng nguồn nước lũ vì có thể bị ô nhiễm bởi xăng, dầu, nước thải. Sữa chữa bể tự hoại, các hố lọc, giếng nước, hệ thống thoát nước nếu bị hư hỏng, rò rỉ. Làm sạch và khử trùng tất cả đồ đạc bị ẩm ướt và bùn bám từ nước lụt có thể chứa nước thải và các hóa chất gây hại. Xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt trùng, tưới dầu hỏa lên để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt hoặc côn trùng mang đi chôn hoặc tiêu hủy.

Thường xuyên theo dõi thời tiết để nắm được thông tin và chủ động ứng phó kịp thời. Nên chủ động dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, chất đốt, bếp ga mini hoặc dầu hỏa. Không quên các loai thuốc dự phòng như dầu gió, thuốc đau bụng, tiêu chảy và các vật dụng khác như dao, đèn pin, đồ cứu thương, bật lửa. Lưu ý kiểm tra lại cơ sở hạ tầng của ngôi nhà, nhất là cửa, mái nhà. Kiểm tra hệ thống thoát nước để nước không bị tắc, tràn vào nhà. Nếu có nuôi gia súc, gia cầm, cần trang bị lại chuồng, lồng chắc chắn, hoặc sơ tán vật nuôi đến nơi an toàn khi có mưa lũ.

Diệu Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây