Nhờ thông tin và giúp đỡ của nhà giáo Nguyễn Hữu Vượng, khoảng 5 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở nhà ông Nguyễn Huy Xuyên, nguyên sĩ quan hậu cần, hiện ở phố Trần Phú thị trấn Nam Sách. Không ngờ là mặt trước nhà ông là phố xá với các cửa hiệu, cửa hàng buôn bán sầm uất, mà mặt sau lại là cảnh vườn tược đầy vẻ thôn dã.
Ông Xuyên kinh doanh thiết bị nội thất cho trường học từ nhiều năm nay. Do ham thích cảnh quan thiên nhiên nên ông đã mua một dải đất sau nhà kéo dài tới vài trăm mét ở mặt sau đường phố Trần Phú thuộc khu phố La Văn Cầu thị trấn Nam Sách để làm vườn cây, ao cá. Vườn của ông kéo dài sau nhiều ngôi nhà ở mặt phố Trần Phú, rộng tới 30 sào, trong đó có 8 sào trồng cây si cho cò đậu ở cạnh một ao lớn thả cá. Xung quanh vườn ao là một vành đai trồng cây ăn quả.
Từ 2 năm nay cò vạc về đông đảo và chúng chấp nhận làm tổ, đẻ trứng, nuôi con ở ngay trên những cây sanh xanh tốt. Đánh giá sơ bộ về thành phần loài thấy có cò bợ, cò trắng, cò ruồi, cò ngàng…Hầu hết chúng đều đang nuôi con non. Chủ nhà còn cho biết có cả vài chục con cò nhạn có tên trong Sách Đỏ VN cũng đến cư trú. Cò nhạn còn gọi là cò ốc chuyên ăn ốc, trước đây chỉ có nhiều ở tỉnh Minh Hải. Vừa rồi theo thông tin của thợ săn, chúng đã bay về tới gần ngàn con. Hiếm thức ăn quá, chúng đã phải tìm thức ăn ở các bãi rác tại Nam Sách và Kim Thành.
Cò cư trú sau vườn cây nhà dân.
Đây là một hiện tương rất lạ chỉ có thể giải thích là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà thôi. Đồng bằng sông Cửu Long năm vừa qua bị hạn nặng nề, đồng đất khô bỏng, nứt nẻ, thức ăn của chim nước như tôm, cá, ếch, nhái… bị tuyệt diệt, khiến chúng phải di cư ra Bắc. Hải Dương, nhất là lưu vực của sông Thái Bình, sông Kinh Thày và sông Kinh Môn có nhiều vùng ngập nước và giàu thuỷ sinh vật là nơi “đất thơm” lí tưởng quyến rũ chúng định cư. Hiện tượng cò vạc về cư trú ở đồng đất Hải Dương đông khiến cho chúng ta vừa mừng lại vừa lo. Lo vì chúng bức xúc về chỗ ở và chỗ kiếm ăn. Cò nhạn chuyên ăn thức ăn tươi sống nay phải kiếm ăn trên bãi rác khiến chúng ta phải suy nghĩ và chúng còn trở thành mồi cho nhiều thợ săn vì mỗi con nặng tới trên dưới 2 kg.
Vườn cò nhà ông Xuyên có các dấu hiệu bền vững vì vườn cây vừa rộng, vừa có ao lớn vây quanh. Dù ở phố nhưng khu sau nhà lại cách ly vơi con người, không bị các thợ săn nhòm ngó. Vừa cư trú chúng đã sinh đẻ ngay chứng tỏ các điều kiện sống tối thiểu đã đầy đủ. Ngừời trong nhà lại thân thiện với chúng nữa nên chúng rất dạn người. Chúng tôi nhìn thấy nhiều con cò kiếm ăn tại chỗ ngay dưới tán cây, cạnh ngưòi làm vườn như gà vịt trong nhà vậy. Điều này hiếm thấy ngay ở Chi Lăng Nam có thâm niên bảo vệ chúng tới trên 20 năm. Điều quan trọng nữa là chủ nhà luôn sẵn sàng phục vụ miễn phí cho các học sinh đến đây tham quan, tìm hiểu, phục vụ cho chương trình học tập.
Nguyễn Văn Khang
Ý kiến bạn đọc