Cảnh báo nguy cơ sụt lở Đảo Cò

Thứ sáu - 30/06/2017 09:18 365 0
Đã nhiều lần các nhà khoa học lên tiếng về sự xuống cấp của Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Khi thì cảnh báo có dấu hiệu đảo sụt lở và đề xuất biện pháp cạp bờ, khi thì báo động cây trên đảo chết và đề xuất trồng các cây thay thế... Nhưng cho đến nay, tình trạng trên vẫn không được khắc phục.

Cần phải nhắc lại là vào đầu thế kỷ này, lúc khai triển dự án GEF được Quĩ Môi Trường Toàn Cầu tài trợ thì chỉ mới ở cuối giai đoạn I ( có 2 giai đoạn), nhờ trồng hàng trăm cây tre gai cho cò đậu, Đảo Cò đã được phủ cây xanh rậm rạp. Cò vạc về đông hơn, làm tổ, đẻ trứng, nuôi con.. khiến cho số lượng ngày càng tăng gấp bội. Mùa đông trông Đảo Cò như một mâm xôi phủ tuyết trắng xóa. Dự án Đảo Cò do đó đã được đánh giá thành công.
 

2

Một góc sụt lở ở Đảo Cò.

Vì thế hơn ba chục dự án được tài trợ khi ấy, đã tổ chức Hội thảo tổng kết ở Hải Dương để tham quan các hạng mục ở Đảo Cò như một mô hình mẫu. Sau đó không lâu, nhờ thành công ấy, chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu từ Hoa Kì đã đến thăm Việt Nam và rất hứng thú khi thăm Đảo Cò, cho rằng đây là tài nguyên hiếm có vì giữa một đồng bằng ven các đô thị lớn lại bảo vệ được một địa điểm đa dạng về loài và đông đảo về số lượng cá thể như thế. Hình ảnh chụp bà khi đang ghi các ẩn tượng ấy vào Sổ Vàng của Đảo Cò đã được lưu lại trong phòng trưng bầy của "Trung Tâm Giáo Dục Môi Trường" được thành lập ở cạnh Đảo Cò.

Sau khi dự án kết thúc, nhu cầu du lịch ở đây tăng cao, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do không có sự quan tâm đầu tư đáng kể nào cho việc củng cố, khắc phục các cảnh báo xuống cấp của Đảo Cò nên hiện tại Đảo Cò đang sụt lở nhiều.

Trước đây chỉ từng vùng của đảo sụt lở. Bây giờ đảo sụt lở toàn diện. Thuyền đi lượn quanh Đảo Cò ở đâu cũng thấy bờ sụt lở, cây đổ rạp, nhiều cây trôi ra khỏi đảo tới vài mét. Cây đổ đều chết, cây còn lại giữa đảo chịu áp lực của phân cò cũng chết trơ cành đen đúa. Cò vạc đành làm tổ và đậu trên các cành khô trụi lá. Nhiều cò non không còn chỗ đậu đành xuống đất chạy loăng quoăng như những đàn vịt và có vẻ rất đói ăn vì mỗi khi có con mồi từ cò bố mẹ kiếm ăn về rơi xuống, lập tức chúng tranh nhau cướp lấy.

Ước tính khu đảo chính đã bị sụt lở đến một nửa. Khu đảo phụ do 7 hộ dân rời đi tạo thành, cũng bị sụt lở nham nhở.  Ngày xưa đi thuyền quanh đảo thấy thư thái như lạc vào chốn thiên đường của các loài chim nước. Bây giờ đi quanh đảo bỗng cảm thấy lòng đau nhói vì cảnh quan tiêu điều, cây cối xơ xác, chim cò thảng thốt bay loạng choạng mà không tìm ra chỗ đậu.

Chính quyền địa phương cho rằng Đảo Cò được công nhận là "Di sản quốc gia", nên lặng thinh chờ đợi kinh phí cải tạo từ cấp trên. Trong khi tình trạng trên đe dọa đến sự mất còn của Đảo Cò ngày càng lớn. Cũng trong hoàn cảnh ấy thì bờ hồ chỗ bến thuyền đậu đã được dân xây cạp bờ chắc chắn để có chỗ bán hàng. Mới đây ở bờ phía nam hồ, dân cũng cạp bờ hoàn chỉnh. Nhưng ở hai khu đảo làm chỗ cho đàn cò khổng lồ cư trú thì lại để sụt lở tan hoang, cây chết tiêu điều.

Giờ đây, Đảo Cò đã là tài sản quốc gia nên trách nhiệm khắc phục thuộc về các ngành chức năng của xã, huyện và tỉnh. Trước hết là cần khẩn cấp triển khai ngay mấy việc để chặn đứng nguy cơ sụt lở đang tăng nhanh:

- Cần triển khai ngay cạp bờ đảo ngay khi hồ còn cạn nước do mùa mưa chưa bắt đầu. Cạp bờ chỗ cò đậu thưa thớt trước rồi chở đất hoặc phun bùn lấp đầy ngay.

- Trồng cây bổ sung đồng thời. Cạnh cây tre gai, nên trồng thêm cây tre cho măng (nguồn gốc từ Đài Loan), tre đằng ngà (thân màu vàng) lấy ở sau Trung tâm Giáo Dục Môi Trường. Nên tính toán, có sự tham gia của chuyên gia, để tìm trồng các cây khác có thể chịu được phân cò.

- Chỗ cò non đói ăn vì chưa bay đi kiếm mồi được, nên mua ít tôm, cá vụn rắc trên đảo vài ngày một lần để chống đói cho chúng. Các "Vườn Chim trên Thế Giới" đều được nuôi bằng thức ăn do con người cung cấp.

- Trong khi chờ đầu tư thì cần vay ngân hàng tiền để làm các công việc trên cho kịp thời.

Nếu cần nên cho dừng tham quan để tập trung khẩn trương tu bổ Đảo Cò. Trong tình hình như bây giờ thì việc để tham quan vừa phản cảm, vừa không phát huy được yêu cầu giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

                                                                                                                        Nguyễn Văn Khang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây