Bán hàng đa cấp thông qua hội thảo – một hình thức lừa đảo tinh vi

Thứ bảy - 02/01/2016 19:33 824 0
Để thực hiện Đề án Phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh từ năm 2010, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hội viên và người dân tại các phường, xã trong toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi được nghe kể nhiều chuyện về việc các doanh nghiệp đến tận các làng, xã cũng tổ chức hội thảo, tập huấn nhưng với mục đích bán hàng.

Rất nhiều người bỏ tiền ra mua hàng, nhưng sau đó mới biết mình bị lừa, mua phải hàng hóa kém chất lượng, thậm chí có nhiều người bị lừa nhiều lần. Đây là chiêu trò của những kẻ bán hàng đa cấp, chúng lợi dụng lòng tin của người dân để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm trục lợi bất hợp pháp. Điều này không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người dân mà còn gây ảnh hưởng đến những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

Bán hàng đa cấp hay kinh doanh đa cấp, hiểu nôm na là cách bán hàng không cần quảng cáo, bán hàng đến tận tay người tiêu dùng, thông qua hình thức “truyền miệng”, người tiêu dùng này mua thấy tốt thì mách cho người tiêu dùng khác. Nhà sản xuất không mất chi phí dành cho quảng cáo nên giá sản phẩm sẽ giảm rất nhiều so với các mặt hàng sử dụng kênh bán hàng thông thường, bằng cách quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, thuê địa đểm bán hàng... Đây là hình thức bán hàng được các nước phát triển sử dụng khá nhiều, và nó thực sự tràn vào Việt Nam khi nước ta chính thức gia nhập WTO vào năm 2008. Hoạt động bán hàng đa cấp được Nhà nước cho phép với những quy định cụ thể, rõ ràng và hoạt động này cũng đã đóng góp nhiều cho xã hội.

Thế nhưng, khi nhắc đến bán hàng đa cấp nhiều người nghĩ ngay đến đó là lừa đảo. Bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất đã lợi dụng hình thức bán hàng này để móc túi, lừa đảo người tiêu dùng, đưa nhiều người vào vòng xoáy nợ nần, đặc biệt là sinh viên, những người thu nhập thấp; gây ra những bức xúc lớn trong xã hội. Hình thức bán hàng đa cấp lúc đầu nhắm đến đối tượng là sinh viên, chủ yếu là các sinh viên tỉnh lẻ, vì họ là những người có tham vọng làm giàu, nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống; sau đó là tới những người thu nhập thấp, người nghèo ở lứa tuổi trung niên. Sau hàng loạt bài báo phát giác kiểu lừa đảo này, các công ty đa cấp tạm thời ẩn mình và biến thiên hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, âm thầm mở rộng địa bàn hoạt động, xâm lấn về tới tận các vùng nông thôn bằng nhiều chiêu trò, điển hình nhất cho đến tận bây giờ là bán hàng thông qua các hội thảo, hội nghị.

Khi chúng tôi liên hệ với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo một số đoàn thể để tổ chức hội nghị, tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức nhưng không ít lần chúng tôi nhận được sự e ngại từ cơ sở, thậm chí có nơi từ chối mặc dù chúng tôi đã nêu đích danh tên cơ quan, nêu rõ mục đích của hội nghị. Trong khi liên hệ, có người hỏi chúng tôi, tổ chức hội nghị, hội thảo có bán hàng hóa gì không, và họ được “bao nhiều phần trăm hoa hồng”. Khi chúng tôi về cơ sở, nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương thì mới hiểu được nguyên do của những sự e ngại, dò hỏi trên.

Bà Trần Thị Th., thôn Ngô Đồng, xã Lạc Long, Kinh Môn tâm sự rằng cách đây không lâu bà nhận được giấy mời đi dự “hội thảo” khám bệnh miễn phí và bán thuốc cho những ai có nhu cầu. Bà Th. có tham gia siêu âm thận, cả hai lần đều được các thầy thuốc chẩn đoán có sỏi trong thận, và phải uống thuốc ngay lập tức không thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Bà Th. cảm thấy hoang mang, và nghĩ rằng thầy thuốc đã nói vậy chỉ có đúng. Ngay lập tức, bà mua một hộp thuốc có giá 1,2 triệu đồng về uống. Đến tối, bà kể chuyện khám bệnh cho con trai nghe, con trai bà xem lọ thuốc thấy toàn chữ nước ngoài không hiểu gì, liền gọi điện lại cho thầy thuốc, tuy số điện thoại vẫn đổ chuông nhưng đầu dây bên kia trả lời nhầm máy. Lúc đó bà Th. mới biết mình bị lừa.

Anh Phạm Văn G, xã Quyết Thắng, Thanh Hà gặp phải câu chuyện bi đát hơn. Anh nghe người quen giới thiệu về việc đi bán hàng chỉ cần bỏ ra số vốn 3 triệu, sau một tháng sẽ có thu nhập 10 triệu, nếu càng bán được nhiều hàng thì doanh thu sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Dù còn nghi ngờ, nhưng anh vẫn theo người bạn lên công ty Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh ở Hải Dương để tham dự hội thảo. Khi đến nơi, anh được nghe nhân viên ở đây giới thiệu về cách thức bán hàng vô cùng dễ dàng mà kiếm thu nhập lớn. Anh G chỉ cần mua một chiếc máy sục ô zôn giá 3 triệu là chính thức thành nhân viên công ty, nếu anh mua càng nhiều máy thì anh càng được nâng cấp, đồng nghĩa với mức lương của anh sẽ tăng. Nếu anh giới thiệu được một người đến công ty mua cũng chiếc máy này thì lương của anh sẽ tăng lên 10 triệu, và nếu anh giới thiệu được hai người đến mua máy thì thu nhập của anh lúc đó sẽ cộng thêm thêm 15 triệu. Anh thấy việc làm giàu khá dễ dàngnên đã bỏ ra gần chục triệu đồng mua ba chiếc máy. Sau khi đem về nhà, máy sử dụng được vài lần đã hỏng, hai chiếc máy kia anh không bán lại được cho ai nên trả lại cho công ty nhưng không được chấp nhận. Lúc đó, anh mới tìm hiểu thì biết rằng mình bị lừa, đành chịu mất oan tiền.

Bác Nguyễn Thị M, hội viên Hội Phụ nữ xã Việt Hồng, Thanh Hà kể rằng bác thường xuyên đi dự hội thảo do các công ty tổ chức. Mỗi người đến dự hội thảo thường có tặng phẩm, lúc là cái chậu thau nhôm nhỏ, lúc là cái khăn mặt, bàn chải, hoặc rổ rá, và được nghe họ giới thiệu về các sản phẩm của mình. Có một lần, bác đã bỏ hơn 300 ngàn mua máy nổ bỏng  ngô mini, nhưng về nhà sử dụng thì không được như máy họ làm mẫu, và sau vài lần thì máy trục trặc, không sửa được.

Ở nhiều nơi khác, bà con nông dân được mời đi nghe hội thảo, lớp tập huấn về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, được diễn giả quảng cáo tung hô về sản phẩm này tốt thế nào, hiệu quả ra sao. Người dân đổ xô mua, nhưng về dùng không thấy hiệu quả, đến khi gọi điện lại cho phía công ty thì số điện thoại không liên lạc được.

Thông qua những câu chuyện như vậy, chúng tôi phần nào hiểu được sự e ngại tham dự hội thảo, lớp tập huấn của bà con nông dân, và cán bộ địa phương là do đâu. Vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương ở đâu khi để cho những kẻ bán hàng lừa đảo dễ dàng tiếp cận người dân như vậy? Theo phản ánh của những cán bộ Hội ở địa phương thì những nhóm người này không bao giờ về cùng lại một xã, mà thường chọn địa điểm khác nhau. Khi đến, họ cũng xuất trình các giấy tờ có đóng dấu của cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc công ty, doanh nghiệp nào đó. Họ thường liên hệ với chủ tịch các hội, đoàn thể ở địa phương, trưởng thôn, trưởng xóm để những người này mời bà con nhân dân đến dự hội thảo tại hội trường. Cán bộ địa phương thì tin tưởng vào người bên tổ chức, người dân thì tin vào cán bộ, vì thế không ai nghi ngờ sự xuất hiện của những người bán hàng kiểu này. Điều quan trọng hơn, là ở cấp cơ sở không có cơ quan quản lý hay cá nhân có đủ năng lực để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, cũng như thẩm định chất lượng hàng hóa được bán, vì đa phần hàng hóa có những thương hiêu “lạ” hoặc không có thương hiệu. Có những địa phương bị lừa nhiều lần bởi những nhóm người khác nhau nên nảy sinh tâm lý e dè, nghi ngại với hội thảo, tập huấn.

Mong rằng, người dân cũng như các cán bộ hội, đoàn thể ở địa phương không nên chủ quan với nhóm người bán hàng kiểu này, khi người dân bị lừa thì uy tín của bản thân cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta mua phải hàng hóa không đúng với số tiền chúng ta bỏ ra là một chuyện, nhưng điều nguy hại hơn là những sản phẩm ấy không có nguồn gốc,xuất xứ rõ ràng, không có thương hiệu, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng, cũng như môi trường. Vì thế, hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để kiểm tra sức khỏe; hãy mua hàng ở những cửa hàng,siêu thị lớn, uy tín được có đầy đủ giấy tờ, chứ không nên mua hàng theo kiểu “hội thảo” tiền mất, tật mang.

Lê Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây