Tạo hình khuyết vá hộp sọ bằng in 3D

Thứ ba - 14/02/2023 14:15 332 0
Giải pháp tạo hình khuyết sọ bằng mảnh vá hộp sọ PEEK cá thể hóa in 3D của nhóm nghiên cứu do Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Hiếu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải dương) làm chủ nhiệm đã mở ra một hướng mới cho người không may bị tổn thương hộp sọ.
Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… bị mất xương sọ. Điều này gây bất lợi như não không được che chắn, bảo vệ nên mất an toàn, thiếu tính thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp. Khuyết hổng xương vòm sọ còn có thể gây ra hội chứng giảm áp lực nội sọ, người bệnh thường bị chóng mặt, đau đầu, suy yếu vận động, suy giảm ý thức, động kinh...
Tạo hình khuyết sọ từ lâu đã được các nhà phẫu thuật thần kinh quan tâm. Hiện nay, có 2 vật liệu chính để tạo hình khuyết sọ mảnh xương sọ. Đó là sử dụng mảnh sọ tự thân của chính bệnh nhân được bảo quản lạnh và các vật liệu nhân tạo như xi măng sinh học, nhựa nhiệt dẻo y sinh Polyether ether ketone (PEEK), Titanium… Ưu điểm của tạo hình bằng mảnh sọ tự thân là tính sẵn sàng của mảnh ghép, phù hợp sinh học, phù hợp kích thước nên phẫu thuật để tái tạo lại khá dễ dàng. Song trở ngại lớn nhất là sau một thời gian cấy ghép, mảnh xương sẽ bị tiêu, gây sập, lún. Nhiều trường hợp mảnh xương bị vỡ vụn sau tai nạn, không thể sử dụng được hoặc không đạt yêu cầu về thẩm mỹ khi cấy ghép.
Trên thế giới hiện nay có nhiều nghiên cứu để tìm kiếm một loại vật liệu lý tưởng nhất cho tạo hình vòm sọ nói riêng và các bộ phận khác thuộc vùng sọ, mặt nói chung. Trong số đó PEEK, đặc biệt là mảnh tạo hình khuyết sọ PEEK in 3D cá thể hóa đang được nhiều chuyên gia lựa chọn. Bác sĩ Vũ Trí Hiếu cho biết: “Được sự cho phép của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với PGS.TS Ngô Duy Thìn (Đại học Y Hà Nội) đưa công nghệ trên về thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2018. Bộ Y tế đã cấp phép việc sản xuất, đưa vào tạo hình xương sọ cho bệnh nhân”.
Khi bệnh nhân bị tổn thương xương sọ, bác sĩ sẽ thực hiện chụp cắt lớp 128 dãy định hình 3D in vào đĩa CD gửi lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại đây, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ sản xuất ra 1 hộp sọ âm bản bằng mê ka, đối với chỗ bị khiếm khuyết sẽ đo vừa với hộp sọ âm bản và in mảnh xương bằng vật liệu PEEK. Nếu mảnh xương sọ bằng vật liệu PEEK và hộp sọ âm bản khớp với nhau sẽ mang mảnh ghép đi khử khuẩn bằng tia gamma, rồi gửi lại cho Khoa Ngoại II của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành phẫu thuật, cấy ghép. Sau ghép 10 ngày, bệnh nhân có thể sinh hoạt, vận động bình thường và tiến hành khám lại sau một tháng, sáu tháng và 12 tháng. Theo dõi sau mổ một tháng cho thấy 90% số bệnh nhân ổn định vết mổ, cải thiện các triệu chứng thần kinh.
Qua thực hiện tạo hình khuyết sọ bằng mảnh vá hộp sọ PEEK cá thể hóa in 3D trên 40 bệnh nhân cho thấy, tất cả bệnh nhân ổn định vết mổ ngay sau phẫu thuật, không viêm, tấy nhiễm trùng hay có dấu hiệu thải loại như tăng tiết dịch. Trong khi sử dụng phương pháp ghép xương sọ tự thân có biến chứng 37%.
Phương pháp này được đánh giá có độ chính xác, tính thẩm mỹ cao, khả năng bảo vệ não tốt, phẫu thuật viên thao tác dễ dàng, rút ngắn thời gian phẫu thuật. Tuy nhiên, khó khăn là các bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân trong thời gian đến hàng năm để đánh giá tác động của việc sử dụng miếng ghép.
Chị Đào Thị Huệ, con gái bệnh nhân Đào Hữu Lộc - một trong những bệnh nhân được sử dụng mảnh vá hộp sọ PEEK cá thể hóa in 3D, ở xã Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ) cho biết: “Trước khi được vá hộp sọ, sức khỏe bố tôi yếu, chỉ nằm trên giường. Sau khi ghép, ông đã khỏe hơn rất nhiều, giờ có thể chống gậy đi lại được. Tôi thấy đây là phương pháp ghép xương sọ an toàn cho những người bệnh không may bị tai nạn như bố tôi”.
Với những đóng góp về mặt y học cũng như xã hội, giải pháp tạo hình khuyết sọ bằng mảnh vá hộp sọ PEEK cá thể hóa in 3D của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Hiếu và cộng sự đã đoạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021). Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục sẽ nhân rộng mô hình này, nhằm bảo đảm cho những người không may bị khiếm khuyết xương sọ được bảo vệ tốt nhất.
Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây