Năm 2015, Nam Phi trải qua đợt hạn hán kỷ lục nhất trong lịch sử khiến 8/9 tỉnh của nước này rơi vào thảm họa, hàng ngàn cộng đồng dân cư và hàng triệu hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Hiệp hội Nông nghiệp Nam Phi Agri SA đã phải đề nghị chính phủ tài trợ hơn 1 tỉ USD ngân sách hỗ trợ nông dân vượt qua khủng hoảng thiên tai. Nhưng niềm hi vọng về một giải pháp chống hạn giá rẻ đang bắt đầu manh nha từ một phát minh của nữ sinh 16 tuổi.
Phát minh của em Kiara Nirghin - 16 tuổi, ở Johannesburg - đã giành giải thưởng của Hội chợ khoa học Google tổ chức tại khu vực Trung Đông và châu Phi với sản phẩm dự thi có tên “Không còn những mùa vụ khô khát nữa”.
Sử dụng vỏ cam và vỏ trái bơ, cô nữ sinh thông minh đã chế tạo một loại hạt siêu thấm (SAP) có khả năng tích trữ nước nhiều hơn trọng lượng của nó tới vài trăm lần. Từ đó tạo nên nguồn trữ nước giúp nông dân duy trì nước tưới cho mùa vụ của họ với chi phí thấp nhất.
Không những thế, loại SAP do Kiara Nirghin tạo ra còn có lợi ích bền vững môi trường khi sử dụng các sản phẩm là đồ bỏ đi được tái chế và có khả năng tự phân hủy sinh học.
Bà Andrea Cohan, người điều hành chương trình của Hội chợ khoa học Google, nhận xét: “Em Kiara đã tìm ra một loại vật liệu lý tưởng giúp không tiêu tốn ngân sách”.
Nhà phát minh trẻ tuổi cho biết em muốn giải quyết khía cạnh bức thiết nhất trong cuộc khủng hoảng hạn hán của Nam Phi. Em nói: “Em muốn giảm thiểu tác động của hạn hán đối với cộng đồng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các mùa vụ”.
Nirghin mô tả quá trình nghiên cứu ra chất liệu đặc biệt của mình với một loạt cuộc thử và sai. Em nhớ lại: “Em bắt đầu nghiên cứu xem hạt siêu thấm SAP là gì và tất cả các loại hạt đó đều có điểm chung là chuỗi phân tử polysaccharide và cũng có cả tác nhân kết dính pectin, vậy nên em thấy đó là một lựa chọn tốt”.
Nirghin đã kết hợp hai loại vỏ trái cây cam và bơ rồi đem phơi nắng hỗn hợp đó. Phản ứng hóa học tiếp theo đã tạo ra loại hạt siêu thấm của em.
Tiến sĩ Jinwen Zhang - giáo sư kỹ thuật vật liệu tại Đại học bang Washington (Mỹ), người cũng đang phát triển các loại hydrogel thấm nước để giải quyết hạn hán - nhận định: “Tôi nghĩ ý tưởng đó khả thi. Sử dụng các sản phẩm phế thải để làm nguyên vật liệu giá rẻ cho việc tích trữ nước chắc chắn là một ý tưởng rất đáng được nghiên cứu thêm”.
Là người giành chiến thắng trong khu vực, Nirghin đã được tạo điều kiện làm việc cùng một chuyên gia cố vấn của Google để tiếp tục nghiên cứu phát triển loại hạt siêu thấm theo công thức của em và hi vọng sẽ sớm thử nghiệm trên cánh đồng thực tế. Em cũng đang hồi hộp chờ đợi xem phát minh của mình có vào 16 phát minh trong vòng chung kết toàn cầu của Google không.
Cô học trò Nirghin luôn ấp ủ rất nhiều ý tưởng, trong đó còn có cả việc nhuộm màu lông cho các loài động vật bị đe dọa để giúp chúng tránh khỏi nạn săn bắt trái phép.
Chia sẻ về các kế hoạch trong tương lai, em nói: “Có lẽ em sẽ tìm hiểu về khoa học sức khỏe hoặc kỹ thuật. Một cái gì đó mà em có thể làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.
Kim Thoa
Ý kiến bạn đọc