Trang web đầu tiên
Đầu những năm 1960, các nhà nghiên cứu của chính phủ liên bang Mỹ tạo ra mạng liên lạc máy tính, tiền thân của Internet sau này. Tuy nhiên, người nêu ra ý kiến về mạng thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy cập (World Wide Web) năm 1989 là nhà khoa học máy tính người Anh, Tim Berners-Lee. Ông đã cho ra đời trang web đầu tiên năm 1990.
Bộ gene người đầu tiên
Tháng 5/1995, nhà khoa học người Mỹ Craig Venter và đồng nghiệp công bố có thể kết hợp phương pháp giải trình tự ADN và kỹ thuật tổ hợp mang tên Whole Genome Shotgun để đọc toàn bộ mã hóa AND của một tổ chức sinh vật sống, vi khuẩn Haemophilus influenzae. Sau này, công ty tư nhân của Venter đã sử dụng cách làm tương tự để giải trình tự bộ gene của ruồi dấm và con người. Các phòng thí nghiệm khác cũng dựa trên phương pháp của Venter để tìm hiểu bộ mã hóa của hàng trăm động vật khác.
Cái chết của hố đen
Năm 1970, Stephen Hawking, "ông hoàng vật lý" người Anh, nảy ra suy nghĩ những hố đen có thể mất dần trọng lượng và tan biến sau khi phát nổ với hàng loạt tia gamma. Nhưng Hawking không thể chứng minh giả thuyết. Những hố đen tồn tại quá lâu nên con người chưa thể quan sát chúng ở giai đoạn chết. Tuy nhiên, nghiên cứu về hố đen của Hawking ngày nay được vật lý lý thuyết củng cố.
Bảng tuần hoàn hóa học
Giải Nobel Hóa học đầu tiên vào năm 1901 được trao cho Jacobus H. van 't Hoff nhờ nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực hóa lý. Với việc tạo ra bảng tuần hoàn hóa học ra đời năm 1869, nhà khoa học người Nga Dmitri Mendeleev được đề cử giải Nobel trong hai năm 1905 và 1906 nhưng không giành giải bởi một thành viên trong Hội đồng Nobel cho rằng phát minh của ông ra đời từ quá lâu và quá nổi tiếng.
Bóng đèn
Tháng 10/1879, Thomas Edison cho ra đời chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại, dù phát minh này đã được Joseph Swan xin cấp bằng sáng chế trước đó tại Anh. Nghiên cứu của Edison đã đem lại ánh sáng cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới và tạo ra nhu cầu sử dụng điện khổng lồ. Tuy nhiên, Edison qua đời vào năm 1931 mà không nhận được giải Nobel nào.
Hạt quark
Murray Gell-Mann giành giải Nobel Vật lý năm 1969 "dành cho những đóng góp và phát hiện liên quan đến việc phân loại các hạt phân tử cơ bản và sự tương tác giữa chúng". Tuy nhiên, phát hiện nổi tiếng nhất của ông là hạt quark lại không giành được bất kỳ giải thưởng nào. Quark là tên gọi những hạt cấu thành vật chất cực nhỏ góp phần tạo ra proton, neutron và các phân tử khác.
Phương Hoa
Ý kiến bạn đọc