Những cách nghe nhạc hiện nay
Hiện nay phổ biến một số cách nghe nhạc sau.
Nghe nhạc Analog, phổ biến nhất gồm: Đĩa Than; Băng cối; Băng Cassette
Với cách này, người nghe thường là những người hoài cổ, thích những thiết bị xưa cũ. Nếu nguồn âm và thiết bị tốt, chất lượng âm thanh cũng rất hay và quyến rũ.
Cách nghe này đòi hỏi người chơi phải tỉ mẩn, mất nhiều công sức từ sưu tầm nguồn nhạc cũ, sưu tầm thiết bị cũ chất lượng tốt, ghi băng, bảo quản băng, đĩa cho đến các thao tác vận hành máy cũng khá nhiều công đoạn.
Cách nghe này chủ yếu dành cho các nhà sưu tầm, những người yêu & đam mê thiết bị, âm thanh cổ. Cách chơi không phù hợp với lớp trẻ đòi hỏi nhỏ gọn, thuận tiện và phải dễ dàng chia sẻ, cập nhật mới.
* Nghe nhạc qua mạng internet: Các này sử dụng nguồn nhạc có sẵn trên internet, người chơi chỉ cần có Smartphone, Smart tivi, đầu android box hoặc thiết bị chơi nhạc số trên mạng có bán sẵn là chơi ngay được.
Phương pháp này có nhược điểm chất lượng không cao do nguồn nhạc trên mạng không đảm bảo chất lượng, nhưng có ưu điểm là tiện, nhanh, gọn đặc biệt là rất phù hợp cho những người ưa đơn giản, không đòi hỏi chất lượng hoặc hay phải di chuyển liên tục thì dùng Smartphone qua tai nghe là tiện nhất.
* Nghe nhạc số Lossless: Đây là cách chơi mới của dân chơi từ bình dân đến chuyên nghiệp. Nếu ai chưa từng chơi dàn máy âm thanh (đầu đọc đĩa, ampli, loa) thì có thể sẽ không có khái niệm gì về lossless. Với những dân nghiền chơi audio nó chính là giải pháp rẻ nhất giúp thỏa mãn cơn “nghiền nhạc” mà chỉ phải đầu tư một khoản rất nhỏ so với việc tìm mua những CD “xịn”.
Hãy tính, một CD, LP (đĩa than) “xịn” có giá ít nhất 150.000 đồng, loại đắt hơn có thể tới triệu bạc, nếu nhân lên với hàng trăm CD thì con số sẽ là bao nhiêu?!
Chơi nhạc lossless cần gì?
Như đã nói ở trên muốn chơi nhạc lossless cần phải có nguồn nhạc và hệ thống thiết bị chơi nhạc lossless.
Về nguồn nhạc:
Đây là yếu tố rất quan trọng, dù có sắm được thiết bị chơi nhạc tốt bao nhiêu mà nguồn nhạc kém, không đạt chất lượng thì cũng không thể cho ra chất lượng âm nhạc thỏa mãn người chơi được.
Hiện nay có rất nhiều người chuyên sưu tầm nguồn nhạc lossless, họ lưu trữ trên ổ cứng (HDD) hoặc trên mạng và chia sẻ cho nhau. Muốn được chia sẻ, người nghe truy cập vào các trang mạng như: Chiasenhac.vn; hdvietnam.com; (vào mục điễn đàn/ chia sẻ nhạc); vnav.vn; (vào diễn đàn rồi tìm các mục chia sẻ nhạc lossless); losslessvietnam.blogspot.com.
Người chơi cũng có thể tự sưu tầm nhạc lossless bằng cách copy từ các đĩa nhạc có bản quyền vào ổ cứng. Các thể loại nhạc được phân ra theo từng chủ đề nhất định hoặc theo tên ca sĩ, hoặc theo dòng nhạc như: nhạc trữ tình, nhạc cách mạng, nhạc trước 1975, nhạc không lời, nhạc quốc tế,…
Sau một thời gian, người nghe sẽ tự chiêm nghiệm chất lượng nhạc rồi chọn lọc lại thành bộ sưu tập cho riêng mình. Hiện nay giá ổ cứng máy tính đã rất dễ chịu với các ổ có dung lượng lớn phù hợp với việc lưu trữ nhạc lossless. Người chuyên sưu tầm nhạc này có thể có tới hàng chục ổ cứng lớn từ vài TB trở lên.
Hệ thống thiết bị nghe nhạc lossless
Việc chơi nhạc lossless tại gia đình cũng cần có những thiết bị thông thường như nghe nhạc từ đầu CD đó là: Amply, Loa. Ngoài ra người chơi còn cần thêm một số thiết bị sau:
- Đầu phát nhạc lossless, thông thường là các đầu HD Player hoặc android box chất lượng cao tùy theo tài chính của mỗi người.
- Đầu giải mã DAC (bộ giải mã số ra tương tự)
Chơi nhạc lossless như thế nào?
Có nhiều cách chơi lossless rất tiện lợi bao gồm cả việc sử dụng WIFI, Blutooth, Mạng server gia đình,…nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ giới thiệu với mọi người 2 cách chơi nhạc lossless cơ bản như sau:
Chơi nhạc Lossless dùng ổ cứng và đầu đọc nhạc lossless:
Ổ cứng sẽ được kết nối với đầu đọc nhạc lossless qua cổng USB có sẵn phía sau thiết bị. Ngày nay, các ổ cứng di động 2,5 inch dung lượng 500GB hay 1- 2 TB giá cũng đã khá rẻ, lưu trữ được rất nhiều nhạc lossless.
Màn hình để hiển thị chọn bài, chuyển thư mục mỗi khi cần chọn đúng bài nhạc yêu thích (được dùng khi bộ DAC không có màn hiển thị), được nối với bộ đầu đọc nhạc lossless qua cổng HDMI hoặc video thông thường.
Đầu đọc nhạc lossless dùng để nhận lệnh từ bộ điều khiển xa, phát nhạc lossless dưới dạng âm thanh số (Digital) chuyển xuống cho bộ giải mã DAC. Dây tín hiệu ra (có thể là Optical hoặc Coxial) được nối vào đầu OUT tương ứng trên phía sau thiết bị.
Bộ giải mã DAC có nhiệm vụ giải mã tín hiệu số nhận được từ đầu đọc nhạc lossless để cho ra âm thanh stereo analog hai kênh đưa xuống amply khuếch đại rồi phát nhạc ra loa. Khi này đầu dây OUT trên bộ đọc nhạc lossless sẽ được cắm vào đầu IN tương ứng (Optical hoặc Coxial) của thiết bị giải mã DAC.
Chất lượng âm thanh ngoài amply và loa ra thì phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nguồn nhạc sưu tầm và chất lượng của DAC. Hiện nay, các bộ DAC bán chuyên nghiệp & chuyên nghiệp bán rất sẵn, tùy chất lượng có thể từ vài triệu đến vài chục, thậm chí tới hàng trăm triệu đồng. Theo kinh nghiệm thì người nghe thường sử dụng các đầu Minidisc hoặc DAT đời cũ để sử dụng làm DAC cũng cho kết quả khá tốt với giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng. Ưu điểm của loại này là vừa sử dụng thiết bị để chơi đĩa MD bằng DAT lại vừa làm DAC nên cũng khá tiện cho người chơi đã thể loại nguồn nhạc.
Chơi nhạc lossless từ máy tính cá nhân:
Hiện nay, gia đình Việt nam nào hầu như cũng có máy tính cá nhân, việc dùng máy tính lưu trữ và phát nhạc lossless cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Cách chơi này cũng có nhiều cách, nhưng cách chơi sau đây là phổ biến hơn cả:
Chỉ có một vấn đề là kết nối giữa máy tính và bộ giải mã DAC (Digital to Analog). Nếu bộ giải mã DAC đã có sẵn đầu cắm USB thì việc kết nối giữa hai thiết bị này rất đơn giản chỉ còn là cắm, rút. Nếu bộ giải mã DAC chỉ có đầu vào Quang (Optical) hoặc đồng trục (Coxial) mà không có cổng USB thì ta cần phải có dây chuyển đổi USB ra quang hoặc đồng trục để phù hợp với tín hiệu vào của DAC như sơ đồ dưới đây:
Ngày nay cùng với đòi hỏi chất lượng âm nhạc, các bộ giải mã DAC hiện nay đã được thiết kế để giải mã được âm thanh chất lượng rất cao có tần số lấy mẫu từ 44,1KHz/ 16 Bit đến 384 KHz/32 Bit. Nhiều DAC đã cho phép giải mã được các file âm thanh chất lượng cao (Hi-Res Audio) như DSD64, DSD128, DSD256, DSD 512 với độ sâu 32Bit, nhưng loại DAC này thường rất đắt đỏ nên chỉ giành cho dân chơi chuyên nghiệp.
Xu thế nghe nhạc lossless là xu hướng đang rất thịnh hành trên thế giới khi mà công nghệ thay đổi từng ngày, chất lượng nguồn nhạc cũng như thiết bị ngày càng được nâng cao. Đối với nghe nhạc từ CD truyền thống hiện nay chỉ đạt được chất lượng kỹ thuật âm thanh với tần số lấy mẫu/ độ sâu Bit là 44,1KHz/16 Bit. Nhưng ngày nay việc nghe nhạc lossless đã cho phép chơi các file nhạc độ chất lượng, phân giải cao hơn CD gấp nhiều lần được gọi là Hi-Res Audio.
Đặc biệt với việc lưu trữ bằng đĩa CD rất cồng kềnh, việc mua đĩa cũng tốn kém tiền bạc, sau thời gian chơi, mặt đĩa không được bảo quản tốt sẽ bị trầy xước, máy khó đọc đĩa. Khi máy vận hành bộ cơ khí phải quay đĩa cũng gây tiếng ồn, tiêu tốn năng lượng và sớm muộn cũng sẽ bị hư hỏng cơ khí, mắt đọc…Với việc chơi nhạc lossless không dùng đầu CD đã có nhiều ưu điểm vượt trội, vận hành đơn giản chỉ là chọn đúng thư mục và loại nhạc đã lưu trữ rất nhanh so với phải đi tìm đĩa CD để thay vào máy.
Với các lợi thế hơn hẳn về chất lượng, độ tiện lợi, độ gọn nhẹ, tính vận hành đơn giản, dễ dàng chia sẻ, cập nhật mới thì xu hướng nghe nhạc lossless đang ngày càng phát triển và được giới trẻ yêu thích. Tương lai nó sẽ dần thay thế các đĩa CD truyền thống như ngày nào đó mà CD đã thay thế các băng từ trước đây.
Ths. Cao Sơn
Phó Chủ tịch Hội tin học & điện tử tỉnh Hải Dương