10 hiện tượng thiên văn ấn tượng xảy ra vào năm 2017

Thứ hai - 10/04/2017 21:34 512 0
Năm 2016, những người yêu thiên văn học trên khắp thế giới đã được mãn nhãn với hàng loạt những hiện tượng thiên nhiên như siêu trăng hay mưa sao băng đẹp mê hồn. Vậy còn năm 2017 thì sao, hãy cùng điểm qua những hiện tượng thiên văn đáng trông đợi nhất trong vòng 12 tháng này.

1. Rạng sáng 4-1: Mưa sao băng Quadrantids

Mở đầu danh sách là hiện tượng mưa sao băng Quadrantids với dự kiến tới 40 vệt sao băng mỗi giờ khi đạt đỉnh điểm.

Mưa sao băng Quadrantids được hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi 2003 EH1 đã tuyệt chủng. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát là sau nửa đêm 3-1 tại những vị trí ít bị ảnh hưởng từ ánh sáng đô thị.

2. Ngày 11-2: Nguyệt thực nửa tối

Hiện tượng kỳ thú này xảy ra khi Mặt trăng đi qua một phần bóng của Trái đất. Theo đó, một nửa vùng sáng của Mặt trăng sẽ bị che khuất và có thể tạo nên Mặt trăng máu.

Cả quá trình nguyệt thực nửa tối sẽ kéo dài trong 4 tiếng 19 phút bắt đầu từ 5 giờ 34 phút ngày 11-2 (theo giờ Việt Nam). Chúng ta hoàn toàn có thể quan sát được hiện tượng này, tuy nhiên chỉ ở giai đoạn khởi đầu cho đến 7 giờ 43 phút mà thôi.

3. Đêm 22-4, rạng sáng 23-4: Mưa sao băng Lyrids

Đây là cơn mưa sao băng ở mức trung bình với chỉ khoảng 20 vệt xuất hiện mỗi giờ. Thế nhưng, điều đặc biệt là các vệt sao băng này có thể để lại đường sáng kéo dài tới vài giây.

Năm nay, Mặt trăng sẽ không gây cản trở quá nhiều quá trình quan sát hiện tượng này, và sao băng có thể xuất hiện từ bất cứ hướng nào trên bầu trời.

4. Rạng sáng 7-5: Mưa sao băng Eta Aquarids

Mưa sao băng Eta Aquarids khi đạt cực điểm có thể lên tới 60 sao băng mỗi giờ, nhưng là ở Nam bán cầu thôi nhé. Ở Bắc bán cầu bao gồm Việt Nam, con số này chỉ bằng một nửa.

Khá đáng tiếc là trăng khuyết sẽ khiến một số sao băng khó quan sát, tuy nhiên nếu kiên nhẫn bạn vẫn có thể bắt gặp một vài vệt sáng từ hướng chòm sao Bảo Bình.

5. Rạng sáng 29-7: Mưa sao băng Delta Aquarids

Trận mưa sao băng này là "sản phẩm" của những mảnh vụn còn sót lại từ sao chổi Marsden và Kracht.

Xuất hiện từ giữa tháng 7 cho tới gần cuối tháng 8 nhưng năm nay mưa sao băng Delta Aquarids sẽ chỉ đạt đỉnh điểm vào giữa đêm 28-7, rạng sáng 29-7 với xấp xỉ 20 vệt mỗi giờ.

6. Ngày 7 và 8-8: Nhật thực một phần

Trong suốt hiện tượng này, một phần của Mặt trăng sẽ tối đi do di chuyển qua bóng Trái đất.

Rất may mắn vì lần này Mặt trăng hoàn toàn nằm trên đường chân trời, vì vậy Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng nhật thực một phần từ 22 giờ 50 ngày 7-8 đến 3 giờ 50 ngày 8-8 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

7. Đêm 12-8, rạng sáng 13-8: Mưa sao băng Perseids

Với trung bình 60 vệt sao băng mỗi giờ, đây được coi là một trong những trận mưa sao băng đáng trông đợi nhất năm 2017.

Mặt trăng có thể che khuất một số vệt sao mờ, nhưng bởi lượng sao băng quá nhiều và sáng, bạn vẫn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.

8. Ngày 21-8: Nhật thực toàn phần

Với những ai yêu thiên văn tại Mỹ, đây hẳn là sự kiện "ngàn năm có một", bởi lần cuối người dân nước này được quan sát nhật thực toàn phần là từ năm 1979, và nếu bỏ lỡ ngày 21-8 tới đây thì phải 7 năm sau mới có thể thấy được hiện tượng kỳ thú này.

Ở Việt Nam, đáng tiếc là chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng qua hình ảnh được chia sẻ trên internet mà thôi.

9. Tối 3-12: Siêu trăng

Đây sẽ là hiện tượng siêu trăng duy nhất của năm 2017, khi Mặt trăng nằm đúng vị trí đối diện với Trái đất và Mặt trời thì bị che phủ hoàn toàn.

Ở khoảng cách gần với Trái đất nhất, Mặt trăng sẽ lớn và sáng hơn bình thường khá nhiều.

10. Đêm 13-12, rạng sáng 14-12: Mưa sao băng Geminids

Vua của mọi cơn mưa sao băng đây rồi! Được tạo thành từ các mảnh vụn của tiểu hành tinh 3200 Phaethon, mưa sao băng Geminids có thể cho ra tới 120 vệt sao băng nhiều màu mỗi giờ khi đạt đỉnh.

Tin vui là năm nay Mặt trăng sẽ không còn gây trở ngại nữa, vậy nên hãy đợi sau nửa đêm 13-12 tại địa điểm thoáng và tối để chiêm ngưỡng trọn vẹn hiện tượng này nhé.

Linh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây