An toàn lưới điện mùa mưa bão

Thứ tư - 03/06/2020 09:14 391 0
Mùa mưa bão năm nay được dự báo diễn biến phức tạp, nhất là vào những tháng cuối năm. Vì thế việc bảo đảm vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định là hết sức quan trọng. Vào mùa mưa bão rất dễ xảy ra những sự cố về điện, không chỉ gây gián đoạn cung cấp điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Cùng với chủ động đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng, Công ty Điện lực Hải Dương đã và đang tích cực sửa chữa, nâng cấp lưới điện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn điện nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.
Ngay từ tháng 4/2020, công ty Điện lực Hải Dương đã triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão đến các đơn vị trực thuộc trên cơ sở rút kinh nghiệm các mùa mưa, lũ, bão trước. Ban chỉ huy, lực lượng xung kích phòng chống lụt bão từ công ty tới điện lực cấp huyện đều được kiện toàn theo phương châm “5 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và tự quản tại chỗ).  Đối với hệ thống lưới điện, Điện lực Hải Dương chủ động các phương án xử lý tình huống cụ thể, chuẩn bị vật tư, nhân lực đầy đủ và tổ chức tập huấn thành thục. Công ty quán triệt tới các đơn vị trong việc bảo đảm an toàn lao động cho công nhân lao động và người dân trong khi khắc phục bão, lũ, đồng thời chủ động với những tình huống xấu do mưa bão, lũ gây ra.
Để bảo đảm cấp điện ổn định, liên tục và chất lượng khi có mưa, bão, lũ dâng cao, công ty đã mở rộng lưới điện 110 kV và nâng công suất các trạm biến áp (TBA) 110 kV, khắc phục cơ bản tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, lưới điện 110 kV được vận hành theo phương thức khép vòng từ nhiều nguồn khác nhau, các TBA 110 kV cấp hỗ trợ nhau khi bị sự cố. Đối với các trạm 110kV, ngành điện đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành tổng kiểm tra, làm vệ sinh công nghiệp, tiếp xúc, cân pha, san tải toàn bộ lưới; thay thế các áp-tô-mát kém chất lượng, không đáp ứng với phụ tải lớn vào lúc cao điểm. Khắc phục, sửa chữa những vị trí mất an toàn như: tiếp địa hộp bảo vệ công-tơ, xử lý xong các vị trí tiếp địa lặp lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật, những cột có khả năng đổ, dây dẫn quá tải, kiểm tra, thí nghiệm định kỳ thiết bị các trạm 110 kV và các TBA trung gian 35/10 kV… Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra định kỳ các TBA và bộ phận tiếp địa, phát quang hành lang tuyến, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, xác định điểm có thể xảy ra sự cố và phương án khắc phục nhanh nhất. Chú trọng kiểm tra an toàn tuyệt đối ở các điểm cột vượt sông, vượt đường, cột có độ cao lớn và các vị trí hãm, néo quan trọng; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện…

Cũng từ cuối tháng 4, các đơn vị đều xây dựng phương án, kế hoạch PCLB phù hợp thực tế của địa phương, đơn vị, thành lập các tiểu ban PCLB, các tổ xung kích tại chỗ. Mở chiến dịch giải phóng hành lang an toàn, hoàn thành huấn luyện quy trình mới về an toàn; huấn luyện bơi, sử dụng thuyền cao su cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố… cho công nhân quản lý, vận hành. Đến thời điểm này, toàn bộ các điện lực cấp huyện đã thực hiện phát quang hành lang lưới điện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo vệ, ngăn ngừa lấn chiếm các đường ra vào TBA. Các điện lực cấp huyện cùng với xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi địa phương kiểm tra toàn bộ trạm bơm chống úng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện PCLB như máy phát điện, áo phao, thuyền... Các TBA trung gian đã được nâng công suất, tránh quá tải các thiết bị và đường dây. Việc thí nghiệm định kỳ các TBA cấp điện cho các trạm bơm chống úng đều đã hoàn thành. Vì vậy, việc cung cấp điện bảo đảm ổn định cao nhất kể cả khi có ngập úng xảy ra trên diện rộng. Trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ cô lập nhanh vùng sự cố và có phương án cấp điện qua các mạch vòng hoặc phối hợp hỗ trợ từ nguồn khác để không mất điện trên diện rộng. Trong trường hợp chống úng, khi có nhiều trạm bơm công suất lớn cùng vận hành, nếu nảy sinh quá tải đường dây, trình tự cắt sa thải  theo nguyên tắc: điện sinh hoạt, sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, nơi không có trạm bơm chống úng đầu mối, khu vực ít bị úng ngập... Khi các đường dây trung áp bị sự cố sẽ phân đoạn cô lập sự cố và chuyển đổi phương thức cấp điện hỗ trợ giữa các đường dây.
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả phương án phòng chống bão lụt, Điện lực Hải Dương đang phấn đấu cao nhất để bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định và chất lượng trong mùa mưa bão này.
Mùa mưa bão, người dân cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn điện?
Nhận diện các nguy cơ. Có 2 sự cố về điện thường gặp nhất trong mùa mưa bão. Thứ nhất là các sự cố điện gây ảnh hưởng diện rộng, nguyên nhân do cây cối, công trình kiến trúc bị gió bão quật đổ vào đường dây, cột điện…Thứ hai là các sự cố do rò rỉ điện trong nhà, do các thiết bị điện không đảm bảo an toàn.
Việc nhận diện đúng các mối nguy hiểm về điện trong mùa mưa bão sẽ giúp thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn điện. Tuyệt đối đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Người dân cần nghiêm túc phối hợp với Điện lực trong việc phát quang, chặt tỉa cây, đảm bảo khoảng cách an toàn của cây cối tới đường dây điện… Ngay cả với những cây trồng ngoài hành lang lưới điện, nhưng có khả năng gãy, đổ vào đường dây, người dân cũng cần chủ động chặt bỏ, tránh sự cố đáng tiếc.
Trước mùa mưa bão, người dân cần kiểm tra và thực hiện chằng, néo các biển quảng cáo, kiên cố mái tôn, các công trình kiến trúc…, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của thiên tai tới lưới điện.
An toàn hệ thống điện trong nhà cần:
- Người có chuyên môn thiết kế và thi công hệ thống điện trong gia đình.
- Lắp thiết bị bảo vệ như cầu chì, áp tô mát, thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp cho hệ thống điện chung của gia đình, và cho từng tầng, từng nhánh rẽ.
- Bố trí vị trí lắp đặt ổ cắm điện cao từ 1,4m so với nền đất. Đây là mức chiều cao hợp lý để hạn chế nguy cơ ngập nước do mưa, lũ và xa tầm với tay của trẻ em.
Với các thiết bị điện thường xuyên tiếp xúc nguồn nước như máy giặt, bình nước nóng…, cần thực hiện nối đất.
Cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện trong gia đình. Việc làm này sẽ loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn, rò điện; kéo dài tuổi thọ thiết bị cũng như sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Khi mưa, bão:
Trời mưa to, gió lớn, nên nhanh chóng ngắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo,…). Xảy ra bão, lũ, nên ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà (ngắt cầu dao tổng).
Khi mưa, bão, nếu ở ngoài đường, không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất; không đi qua khu vực cột điện gãy, đổ, đường dây bị đứt, võng…
Xử lý sự cố
Trong trường hợp phát hiện sự cố điện trong nhà, hoặc ngoài đường: Không nên tự sửa chữa vì có thể gây ra tai nạn về điện. Hãy lập tức liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng ngành Điện 24/7 để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Đào Văn Tuấn
 Từ khóa: AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây