Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử chọn tạo thành công giống lúa SHPT3 đa năng

Thứ năm - 29/11/2018 14:26 650 0
Thời gian vừa qua, PGS.TS Lê Hùng Lĩnh, GS. TS Lê Huy Hàm và cộng sự của Viện Di truyền nông nghiệp đã chọn tạo thành công giống lúa chịu ngập SHPT3 từ tổ hợp lai giữa giống Khang Dân 18 với giống PSBRc68 mang gen chịu ngập Sub1 được nhập nội từ IRRI. Giống lúa SHPT3 đã được Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương tiếp thu công nghệ và bản quyền.
SHPT3 là giống lúa thuần ngắn ngày, cấy 2 vụ/năm; được chọn tạo bằng công nghệ sinh học phân tử. Thời gian sinh trưởng từ 132-136 ngày (vụ Xuân), từ 105-107 ngày (vụ Mùa); chất lượng gạo khá, năng suất cao đạt 70-75 tạ/ha, thích ứng rộng, ít nhiễm sâu bệnh, rất cứng cây, chống đổ tốt, chịu chua, ngập úng, gạo có hàm lượng Amyloza 29%, phù hợp cho chế biến bún, bánh đa, phục vụ các làng nghề truyền thống địa bàn trong và ngoài tỉnh Hải Dương.
12
Mô hình trồng giống SHPT3 mùa 2018
Giống SHPT3 đưa vào sản xuất thử năm 2017-2018 thông qua đề tài lúa do Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương thực hiện, qui mô 450 ha/2 năm, trong cả 2 vụ, vụ xuân 200 ha, vụ mùa 250 ha, tại 05 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố gồm: huyện Kim Thành, huyện Tứ Kỳ, huyện Kinh Môn, huyện Ninh Giang, huyện Nam Sách, thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương. Qua Hội thảo mô hình tại các điểm, bà con nông dân đánh giá cao về khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất cao, chống đổ tốt, chịu chua, trũng.
Cụ thể: Chân đất tại thôn Ngoại, xã Minh Hòa (Kinh Môn) thuộc loại chân đất chua, trũng, vụ xuân 2017 đưa vào cấy giống SHPT3. Thời gian sinh trưởng là 129 ngày, năng suất lúa  đạt 75 tạ/ha, cao hơn đối chứng cấy cùng chân đất TBR 225 (57 tạ/ha) từ 20-25%. Tại thôn Chùa Vần, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh, vụ mùa 2017 đưa vào cấy giống SHPT3. Thời gian sinh trưởng 103 ngày, năng suất lúa đạt 70 tạ/ha, cao hơn giống đối chúng KD 18 (52 tạ/ha) là 25%. Tại thôn Tất Hạ, xã Cộng Lạc, (Tứ Kỳ) vụ xuân 2018 đưa vào cấy  SHPT3 ở vùng chân đất chua, trũng. Năng suất đạt 81 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng KD 18 đạt (62 tạ/ha) 23%. Tại xã Thượng Đạt, TP.Hải Dương vụ mùa 201, giống SHPT3 đạt 71,0 tạ/ha, cao hơn đối chứng là Q5 (62 tạ/ha) 23%. Giống SHPT3 bị ngập sâu từ 5-7 ngày, tại xã Minh Hòa, Kinh Môn vụ mùa 2017 và xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ vụ mùa 2018. Sau khi nước rút, chăm sóc trở lại cây lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển khỏe, chống đổ, chống chịu sâu bệnh: đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu tốt, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người sản xuất nông nghiệp tại các điểm triển khai mô hình. Qua tính toán sơ bộ, người dân đã thu về từ 1,5-1,8 triệu đồng/sào, tương đương 41-50 triệu đồng/ha, cao hơn gấp từ 1,5-2 lần so với cấy giống lúa KD 18, Q5. Điều đặc biệt là do giống đã đáp ứng cho nhu cầu gạo chế biến, nên tiêu thụ dễ dàng bởi tư thương, và công ty Lương thực, số lượng hàng không đủ để cung cấp.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 07 làng nghề chuyên làm bún và bánh đa, với trên 1.600 hộ gia đình trực tiếp tham gia sản xuất. Ước tính mỗi năm, các làng nghề này tiêu thụ từ 600 đến 800 nghìn tấn gạo thương phẩm. Nhiều hộ cần 10 tấn gạo/ngày, như hộ anh Quỳnh, chị Dịu tại khu Xuân Dương, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương (làng Lộ Cương cũ). Trước đây, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bún và bánh đa là gạo của giống lúa Khang Dân 18, Q5 và VN 10, DT 10. Song, do chất lượng phục vụ quá trình chế biến thường không ổn định, những giống lúa khác không sản xuất được nên nguồn nguyên liệu tại chỗ nhiều khi thiếu hụt. Từ khi giống lúa mới SHPT3 được gieo trồng, Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương đã thử nghiện sản xuất bún bằng gạo từ giống lúa SHPT 3tại làng nghề bún, bánh đa Lang Khê, xã An Lâm (Nam Sách), làng bánh đa Lô Cương, Tứ Minh (thành phố Hải Dương) cho thấy chất lượng bún, bánh đa tốt hơn hẳn so với các loại gạo truyền thống KD18, Q5, VN 10 đang dùng, như độ giòn, dai, độ bóng, ăn có độ béo, ngậy, đặc trưng, chất lượng bún, bánh đa bảo quản lâu hơn không bị chua, do đó nhu cầu gạo chế biến từ giống lúa SHPT 3 ngày càng cao. Đây là tín hiệu vui cho bà con trồng lúa tại tỉnh Hải Dương.
Qua thực tế sản xuất việc tiếp cận giống lúa mới SHPT3 nhờ ứng dụng chỉ thị phân tử MAS từ nền giống phổ biến KD 18 do Bộ môn sinh học phân tử, Viện di truyền chọn tạo đáp ứng sản xuất về năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh đặc biệt là chịu chua, trũng, ngập úng, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi mới của Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương, mở ra cơ hội cho người sản xuất theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị kép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tại các làng nghề truyền thống bún, bánh đa để bảo tồn, duy trì, phát triển một cách ổn định, bền vững trước mắt và trong tương lai.
Ths. Nguyễn Hữu Hỷ
Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây