Thuật ngữ ‘tế bào gốc’ ở Việt Nam có đang bị hiểu sai

Thứ năm - 29/11/2018 14:11 466 0
Việt Nam đã có lịch sử nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trên 20 năm, nhưng chỉ 5 năm trở lại đây phát triển thực sự. PGS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM đã dành 3 năm thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp ở Việt Nam".
Nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được thực hiện với hỗ trợ của Văn phòng các chương trình trọng điểm quốc gia và Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhóm nghiên cứu đã được cung cấp kinh phí, phương pháp luận khoa học, các công cụ để thu thập, xử lý, đánh giá và giải thích dữ liệu để có được kết quả khách quan nhất. Trên cơ sở điều tra toàn diện năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn quốc cho thấy sự phát triển là có nhưng rất chậm và manh mún.
pham van phuc 7017 1543279754
PGS Phạm Văn Phúc
Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ, hiện thông tin tế bào gốc được quảng cáo, được hiểu có nhiều sai lệch so với thực tế. Phần lớn thông tin tế bào gốc trong xã hội là từ các hoạt động kinh doanh, thương mại các sản phẩm làm đẹp.
PGS Phúc khẳng định, thuật ngữ "tế bào gốc" đang bị lợi dụng và lạm dụng. "Tác dụng, vai trò, hiệu quả sử dụng tế bào gốc được phổi phồng, bóp méo đáng kể. Điều này đã gây hiểu lầm, hiểu sai về tế bào gốc ở nhiều người, gây nên những phản cảm nhất định", PGS Phúc nói.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được nghiên cứu nêu rõ, đó là do thiếu các hướng dẫn, quy định của các tổ chức nghề nghiệp hay của các cơ quan có thẩm quyền về sản xuất, ứng dụng tế bào gốc. Điều này dẫn đến việc ứng dụng tế bào gốc khó thực hiện và khó kiểm soát.
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp định hướng đến năm 2030 Việt Nam cần xây dựng trung tâm sản xuất thử nghiệm tế bào gốc. 
sach te bao goc to 2010 1528551100
Một cuốn sách về tế bào gốc được xuất bản năm 2013 tại Mỹ với tựa tiếng anh "Stem cells: an insider’s guide"
Thực tế các phòng thí nghiệm, viện, trung tâm tế bào gốc hiện có mức độ sẵn sàng công nghệ rất thấp. Thường đạt ở mức 1, 2 hay 3, trong khi các doanh nghiệp cần ở mức 7, 8 hay 9. Đây là một trở ngại lớn cho việc chuyển giao kết quả cho các doanh nghiệp phát triển các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm. 
"Sự ra đời của các trung tâm sản phẩm thử nghiệm quy mô pilot sẽ giúp nâng mức sẵn sàng công nghệ từ mức 1, 2 hay 3 lên 4, 5 hay 6 mà sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp", nhóm nghiên cứu đề xuất. 
Theo PGS Phúc, làm chủ công nghệ nền và phát triển các công nghệ tiên tiến trong đó có công nghệ thuốc tế bào gốc sẽ cho phép giảm giá thành điều trị thông qua sản xuất quy mô lớn.
Thuốc tế bào gốc là một trong những hướng công nghệ có thể mang lại hiệu quả điều trị cao và ổn định so với các liệu pháp điều trị hiện tại. 
Minh Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây