Những sản phẩm thân thiện môi trường

Thứ sáu - 18/05/2018 16:28 1.112 6
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa đến hệ sinh thái, cũng như cuộc sống con người trên toàn Trái Đất, thì những sản phẩm được sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện, dễ phân hủy được khuyến khích và đã có những thành công nhất định.
Bát từ lá cây
9
Những chiếc bát từ lá cây với nhiều kiểu dáng của những tác giả trường Đại học Naresuan.

Những tác giả thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan) đã sản xuất ra những chiếc bát, đĩa từ lá cây. Những chiếc bát này được làm từ lá của ba loại cây: bastard teak, teak và banyan.
Những chiếc lá này không thấm nước, có thể đựng được cả nước nóng và trở thành loại bát có khả năng tự phân hủy thay cho các loại bát đĩa dùng một lần từ xốp tyrofoam hiện nay. Các giáo sư khoa học công nghệ trong trường đại học trên đã mất hơn một năm để hoàn thành quy trình sản xuất những chiếc bát này sao cho chúng đủ chắc chắn và hữu dụng thực sự.
Tại Đức, một công ty mang tên Leaf Republic cũng khởi nghiệp với ý tưởng này. Hiện nay, những sản phẩm này đã chính thức được sản xuất rộng rãi. Một chiếc bát từ lá cây gồm 3 lớp: lớp trên và dưới cùng đều là lá trong khi ở giữa là  một lớp giấy không thấm nước cũng được sản xuất từ lá cây. Chúng được gắn vào nhau theo công nghệ sản xuất riêng không keo dính tay hay phụ gia. Công ty Leaf Republic cho biết sẽ không một cây nào phải chặt hạ để sản xuất chiếc bát này và thời gian để mỗi chiếc bát phân hủy hoàn toàn là 28 ngày. Mỗi chiếc bát từ lá cây này hiện được với giá £8.50 (khoảng 250.000 VNĐ).
Lụa từ tơ sen
10
Dệt lụa từ tơ sen ở Myanmar.

Sen là loại cây trồng phổ biến ở Đông Nam Á. Không chỉ khai thác lợi ích từ hạt, hoa, ngó, lá sen, người Myanmar còn sản xuất loại lụa đặc biệt từ tơ sen. Loại tơ nổi tiếng này còn vượt qua khỏi ranh giới quốc gia trở thành sản phẩm du lịch của Myanmar.
Làm lụa sen là một trong những nghề nổi tiếng của làng Paw Khon (trên hồ Inle, Heho, Myanmar). Loại lụa này không chỉ là sản phẩm đắt giá mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến đây. Nghề dệt lụa sen ở làng đã có lịch sử đến cả trăm năm.
Loại lụa này được dệt từ những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen. Cọng sen được cắt ngắn thành các đoạn 3-4cm rồi kéo các sợi tơ, miết qua một tấm bảng tẩm nước rồi bện lại với nhau, quy trình lặp lại đến khi tơ đủ dày. Công đoạn se sợi này phải được thực hiện trong 24 giờ sau khi hái bởi cọng sen khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn.
Sen trồng ở vùng nước sâu, cọng càng dài, cho sợi tơ càng chắc và chất lượng. Lụa tơ sen tại đây không được nhuộm màu mà để mộc với màu vàng ngà và nâu, được làm thành khăn. Giá một chiếc khăn từ 75 đến 100 USD.
Ở Việt Nam cũng vậy, dệt vải, đó là nghề truyền thống của cư dân người Việt từ muôn đời nay. Các sản phẩm từ nghề dệt vải đều nguồn gốc từ cây cỏ, thảo mộc như vải tơ tằm, vải đay, vải gai, bông… Tất cả đều nói lên đặc điểm của người Việt từ xa xưa, gắn bó thân thuộc, hòa mình với tự nhiên, dựa vào tự nhiên để sinh tồn. Trong các loại vải đó, sản phẩm vải tơ chuối đã trở thành đỉnh cao của kĩ thuật dệt của người Việt, được Trương Bột, học giả người Hoa trong sách Ngô Lục đánh giá rất cao “loại vải mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì mát lắm”. Thế nhưng, đến nay các công nghệ dệt vải này bị mai một dần, thậm chí biến mất, vì vậy chúng ta nên có cách để khôi phục lại.
Ống hút từ tre, cỏ bàng
11
Ống hút làm từ cỏ bàng (trái) và tre.

Ngày nay, các hàng quán ăn, giải khát, cà phê mọc lên ở khắp nơi, hầu như tất cả đều sử dụng ống hút từ nhựa. Lượng nhựa này thải ra mỗi ngày lên đến hàng tỷ ống hút, riêng tại Mỹ, theo thống kê của tổ chức Benza, trung bình mỗi ngày người dân Mỹ thải ra 500 triệu ống hút nhựa. Số ống hút này lẫn vào đất, thải xuống sông biển, gây nguy hại cho các sinh vật, ô nhiễm đất đai, thời gian phân hủy mất hàng trăm năm. Chưa kể nhựa còn gây hại sức khỏe con người.
Ở Việt Nam hiện nay có ống hút tre, có thể dùng nhiều lần, giá cả phải chăng chỉ khoảng 10 nghìn đồng/ống hút. Bên cạnh đó, có ống hút làm từ cây cỏ bàng-một loại thực vật mọc hoang dại ở khắp các khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm được làm thủ công bởi một nhóm phụ nữ ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ống hút cỏ bàng có thể sử dụng nhiều lần, và dùng tốt nhất từ 1-3 ngày, sau đó ống hút sẽ héo, và bắt đầu phân hủy vì được làm hoàn toàn từ cây cỏ. Nếu để ở nhiệt độ phòng (27-28 độ) thì giữ được 5 ngày, để trong tủ lạnh được khoảng 2 tuần. Giá khoảng 600 đồng/ống hút.
Túi nilon tự hủy bằng bột sắn
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại túi nilon tự hủy làm bằng bột sắn và nhựa sinh học, có tính thân thiện với môi trường.
Loại túi nilon này có tỷ lệ bột sắn chiếm 35-40%,phần còn lại là nhựa phân hủy sinh học, có độ bền và dai hơn túi nilon thông thường với giá cao gấp 1,5-2 lần. Ưu điểm nổi trội của nó là sau khi phân hủy ra đất, chúng ta có thể trồng cây tại chính khu vực này. Các nhà khoa học dự kiến sẽ phát triển rộng rãi túi nilon tự hủy bằng bột sắn dây ra thị trường, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Phương Thanh tổng hợp
 Từ khóa: môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây