Minh văn Bùi Thị Hý (Kỳ hai): Từ gia phả tìm ra nhiều minh văn có giá trị

Thứ năm - 18/01/2018 09:22 478 0

Minh văn Bùi Thị Hý (Kỳ hai): Từ gia phả tìm ra nhiều minh văn có giá trị

Ở bài thứ nhất, chúng tôi mới giới thiệu khái quát về quá trình tìm ra tiểu sử Bùi Thị Hý, thực tế nội dung phong phú và phức tạp hơn nhiều. Gia phả chỉ có 7 trang, nhưng thông tin rất phong phú, chuẩn mực, có giá trị lịch sử rất lớn đối với địa phương và đất nước.

Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt nội dung gia phả họ Bùi ở Quang Ánh và tiểu sử bà Bùi Thị Hý:

Tổ đời thứ nhất ở trang Quang Ánh  là Bùi Quốc Nghĩa, còn có tên là Bùi Đình Nghĩa. Ông sinh năm Xương Phù thứ 11(1387), nguyên quán làng Cống Khê, huyện Chương Đức, nay thuộc thôn Cống Thượng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Năm Hưng Khánh thứ nhất (1407), gia đình ông Nghĩa di cư về trang Quang Ánh, huyện Trường Tân, nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc. Theo tài liệu mới nhất từ một tấm bia cổ mới khai quật, thì từ năm Giáp Tuất, niên hiệu Quang Thái (1394) Bùi Quốc Hưng, thân phụ của Bùi Quốc Nghĩa đã lập Bùi Gia trang ở Quang Ánh. Ông nghĩa lấy bà Vũ Thị Thủy, sinh 2 người con. Con thứ nhất là Bùi Thị Hý, sinh năm Canh Tý (1420), con thứ hai là Bùi Đình Khởi, sinh năm Quý Mão(1423). Bùi Quốc Nghĩa tham gia nghĩa quân Lam Sơn, hy sinh trong một trận hỗn chiến tại thành Đông Quan, tức Thăng Long vào năm 1427. Vì có công lớn nên sau giải phóng, được Lê Lợi ban 55 mẫu lộc điền. Ông trở thành thủy tổ họ Bùi trang Quang Ánh và là dòng họ có thế lực tại địa phương.

Bùi Thị Hý sau khi giả trai đi thi bất thành, bà lấy chồng là Đặng Sĩ, một đại gia của trung tâm gốm Chu Nhẫm, tức Chú Đậu, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách. Năm Thái Hòa thứ 10(1452), bà cùng chồng về trang Quang Ánh, giúp em dựng lò gốm ở phía Bắc trang, hữu ngạn sông Định Đào, giao thương với Chu Đậu, làm gốm phục vụ Hoàng triều, tức làm đồ ngự dụng và xuất khẩu sang Bắc quốc, Nhật quốc và phương Tây. Bà là người khởi nghiệp nghề làm sành sứ của dòng họ. Từ đó họ Bùi Quang Ánh giầu mạnh không ngừng qua từng năm. Bùi Thị Hý là mộ đại gia nhưng không có con, khi ngoài 70 tuổi, bà về quê cha, bỏ tiền làm nhà thờ họ, đình chùa làng, bắc cầu… Bà mất ngày 12 tháng 8 năm Cảnh Thống thứ hai (1499), thọ 80 tuổi. Đến khi đất nước đại loạn (chiến tranh Trịnh Mạc vào năm 1592) làng mạc bị tàn phá, gia đình thất tán, nghề làm gốm ngừng trệ, con cháu phải đổi sang họ khác đến 3-4 đời, sau đó nghề vinh của dòng họ thất truyền. Cuối gia phả có bài thơ nôm có tựa đề Vãn nghệ xưa thật xúc cảm.

Xưa kia nơi ấy là gò,

Bởi làm sành sứ nên gò thành ao.

Năm qua tháng lại biết bao,

Thăng trần lịch sử thấp cao tiến lùi.

Nghề vinh của tộc họ Bùi,

Vì chứng quốc loạn ngậm ngùi suy vong.

Đôi lời luyến tiếc sầu bi,

Của dòng con cháu họ Bùi Quang Anh.

 Từ sự kiện này, bước đầu chúng tôi có nhận định sau:

Bùi Thị Hý, quê ở trang Quang Ánh, nay thuộc thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, sinh tr­ưởng trong một gia đình trí thức phong kiến giàu có, cháu nội khai quốc công thần Bùi Quố Hư­ng, là một phụ nữ có tài xuất chúng về văn chương, viết chữ đẹp, có biệt tài về họa, từng thi đỗ tam trường.

Bà lấy ông Đặng Sĩ, một đại gia sản xuất gốm sứ ở Chu Đậu, huyện Thanh Lâm, chuyên sản xuất gốm đặc biệt để tiến cống và xuất khẩu sang Trung quốc, Nhật Bản và phương Tây. Khi khai quật ở Chu Đậu, chúng tôi tìm được không ít hiện vật có chữ Sĩ (士) ở đáy, rất có thể đó là sản phẩm của lò gia đình Đặng Sĩ và Bùi thị Hý. Bà đã cùng chồng và em trai là Bùi Khởi xây dựng một lò gốm tại quê vào năm 1452, liên kết với Chu Đậu làm đồ ngự dụng và xuất khẩu, từ đó gia đình phong lưu, cường thịnh.  

Gốm Chu Đậu thất truyền do nội chiến, chiến tranh Lê Mạc do Trình Tùng chỉ huy đã hủy diệt vùng Nam Sách năm 1529, từ đó nghề vinh của dòng họ này thất truyền. Những người còn sống, sau bốn đời, không còn khả năng khôi phục nghề cũ.

Những sự kiện trên hoàn toàn phù hợp với lịch sử và những gì  đã nghiên cứu về gốm Chu Đậu. Điều đương nhiên là bình gốm hoa lam cao 54cm, sản xuất năm Thái Hòa thứ tám  (1450) l­ưu ở Thỗ Nhĩ Kỳ là tác phẩm của bà Bùi Thị Hý, hơn thế còn có bút tích của nghệ nhân.

Sự kiện này đã khẳng định gốm Chu Đậu trước hết là do người địa phương sản xuất, trong đó có vai trò của người phụ nữ mà điển hình là Bùi Thị Hý. Tư liệu này vô cùng quan trọng, vì khi phát hiện gốm Chu Đậu đã có học giả ngờ rằng lò gốm này có thể do người nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Từ nay lịch sử Việt Nam có một phụ nữ tài năng xuất chúng, từng giả trai đi thi đến tam trường và là một nghệ nhân đồ gốm xuất sắc của Việt Nam ở thế kỷ XV. Vậy cuối thế kỷ XVI, có một bà Nguyễn Thị Duệ giả trai thi tiến sĩ ở Cao Bằng là điều không có gì lạ. Gia phả này còn cung cấp một thông tin về tướng quân Bùi Đình Nghĩa, người chiến đấu dũng cảm và hy sinh tại thành Đông Quan.

Trên đây là một phát hiện quan trọng không chỉ về gốm Chu Đậu mà còn của lịch sử gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam và những vấn đề có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn, tư liệu trùng hợp với kết quả điền dã và những gì chúng ta đã biết về trung tâm gốm mỹ nghệ đặc biệt này. Về văn bản học cũng khá minh xác, vấn đề còn lại là cần nghiên cứu kỹ hơn, kể cả khai quật để phát hiện những tư liệu có sự liên quan, đồng thời đảm bảo sự chân thực và phong phú của lịch sử  một dòng gốm đẹp của Việt Nam cũng như của thế giới ở thế kỷ XV-XVI.

Toàn bộ gia phả khoảng 800 chữ, viết chân phương bằng chữ Hán và chữ Nôm, chỉ mất 4 chữ do rách góc, 2 chữ tự dạng dị thường. Gia phả do lý trưởng Bùi Đức Nhuận biên soạn. Ở trang cuối có ghi: “Bảo Đại năm Nhâm Thân 1932, đầu xuân, tháng Giêng, lý trưởng Bùi Đức Nhuận ghi theo bản cổ lưu truyền cho đời sau”. 

Vậy bản gia phả cổ viết năm nào, nay liệu có còn ?. Khi dịch xong gia phả này, anh Lợi cho biết trong gia đình còn lưu một cuốn gia phả viết trên lụa, năm 1948, giặc Pháp đến càn quét, đốt nhà đã bị cháy các góc, nhưng phần chữ vẫn còn. Khoảng tháng 6 năm 2006, tôi được đọc cuốn gia phả này. Trang cuối cũng có ghi: Gia phả được sao chép vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) từ những tấm bia cổ. Như vậy gia phả này viết trước gia phả viết trên giấy tròn một thế kỷ, nội dung căn bản giống nhau, nhưng có nhiều chi tiết rất đáng quan tâm. Đó là những tấm bia cổ mà gia phả nhắc đến. Những tấm bia cổ và những cổ vật có minh văn lần lượt được phát hiện, nội dung có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, đặc biệt là về căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn, trước khi tấn công Thăng Long vào năm 1427. Xem tiếp kỳ sau sẽ rõ.   

Tăng Bá Hoành
Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây