Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Tiến sĩ Phạm Sư Mạnh, Nhà văn hoá lớn của thế kỷ XIV
Thứ năm - 15/06/2023 16:243800
Theo những tài liệu lịch sử còn ghi lại, Phạm Sư Mạnh nguyên có tên là Phạm Độ, sau vì kiêng tên húy Thái sư Trần Thủ Độ mà đổi thành Phạm Sư Mạnh, tự Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai, biệt hiệu là Hiệp Thạch. Ông là người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn, nay thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Về năm sinh năm mất của ông cho đến nay còn có ý kiến khác nhau, có sách viết ông sinh năm 1303, mất năm 1384; có sách lại ghi ông sinh năm 1300 mất năm 1377. Tuy nhiên phần lớn các tư liệu viết về Phạm Sư Mạnh hiện nay đều nói ông sinh vào thế kỷ XIV. Theo ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương, Phạm Sư Mệnh và Phạm Sư Mạnh là một người. Người xưa thường có cách gọi lái tên để thể hiện sự tôn trọng. Phạm Sư Mạnh vốn là người thông minh hiếu học, lại được thầy Chu Văn An rèn giũa nên tài năng của ông càng phát triển. Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) đời vua Trần Minh Tông (1314-1329). Đời vua Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 5 (1345), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc để biện luận với phương Bắc về “đồng trụ” (cột đồng) thời Hai Bà Trưng. Nguyên cột đồng này được gọi là cột đồng Mã Viện. Theo sử cũ, đó là một cây cột đồng lớn, trên có khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là cột đồng gẫy, Giao Chỉ bị diệt) được viên tướng nhà Đông Hán là Mã Viện cho dựng để làm ranh giới cuối cùng (của nhà Đông Hán) sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 43 ở Giao Chỉ. Về chuyện đi sứ, sử gia Phạm Văn Sơn chép trong Việt sử Tân biên rằng: "Tháng Tám năm Ất Dậu (1345), sứ nhà Nguyên là Vương Sĩ Hành lại sang hỏi việc cột đồng. Vua Trần Dụ Tông sai Phạm Sư Mạnh đi sang biện luận việc này. Từ đó trở đi không thấy phương Bắc hỏi han, nhắc nhở gì đến việc này nữa".
Sau khi đi sứ về, năm Thiệu Phong thứ 6 (1346) ông giữ chức Chưởng bạ thư kiêm khu mật tham chính (1346), Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự (1358), Hành khiển tả tư lang trung (1359), Tri khu mật viện sự (1362), rồi thăng lên chức Nhập nội nạp ngôn... Về văn học, Phạm Sư Mạnh nổi tiếng ngang với Lê Quát, là bạn thân đồng môn (hai học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An) và đồng triều. Cả hai đều được người đương thời khen ngợi. Hơn 40 năm làm quan trải 3 triều vua Trần là: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông, Phạm Sư Mạnh luôn mang hết tài trí phục vụ đất nước, góp phần xây dựng nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh. Ông tài trí hơn người, sống trong thời đại đầy biến động, nhưng ông và một số ít người đương thời luôn lạc quan, đầy nhiệt huyết, nguồn thơ lai láng, đi khắp muôn dặm non sông, đến đâu cũng sáng tác, ngâm vịnh, có điều kiện là khắc lên vách đá hay chuông đồng. Danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú viết: Ông (Phạm Sư Mạnh) có tài khí hùng hồn hơn người, nguồn thơ lai láng; đi khắp muôn dặm non sông, đến đâu cũng ngâm đề khắc để lại, lời đều hào hùng thanh thoát đáng đọc.
Tác phẩm của ông hiện còn: Hiệp Thạch tập, Vân Lỗi Sơn Sùng Khánh tự đại bi nham ký, Đăng Thạch Môn lưu đề, Hoàng Việt Thi Lục (41 bài thơ). Gần đây mới phát hiện bài thơ của ông được khắc trên chuông chùa, tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông sáng tác Hiệp Thạch tập (Tập thơ Hiệp Thạch) bằng chữ Hán, nhưng đã thất lạc, hiện chỉ còn 33 bài được chép rải rác trong Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích Diễm thi tập. Tác phẩm Hiệp Thạch tập được Phan Huy Chú ngợi khen: “Tình thơ cao siêu, hào phóng, (ông) là một danh gia ở cuối đời Trần”. Phạm Nguyễn Nghiêm đánh giá cao: “Đương thời văn chương Phạm Sư Mạnh trùm đời, khí độ hơn người, tiếng lừng hai nước”.
Tại quê hương ông, hiện còn lưu giữ bài thơ “Hành dịch đăng gia sơn” khắc trên động Kính Chủ, trong dịp ông đi làm việc quan, lên thăm núi nhà, ngày 5 tháng 9 năm thứ 144 triều Trần (1368). Bài thơ Ngũ ngôn này đầy tự hào khi nói về quê hương, có cảnh đẹp và là một cửa ải quan trọng ngăn giặc ngoại xâm từ đường biển Bạch Đằng vào. Chính nơi đây cũng ghi dấu chiến công của Ngô Quyền, Trần Nhân Tông. “Lên thăm núi Thạch Môn,
Ngẩng trông trời vút cao.
Biển nam chim bằng dậy,
Núi đông mặt trời chào.
Núi Yên Phụ chạm trời,
Tượng Đầu chất ngất cao.
Tử Tiêu mây trùng trùng,
An Kỳ ở chốn nao.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Ngô Quyền diệt Hoằng Thao.
Nhớ xưa Trùng Hưng đế,
Làm đất chuyển trời chao.
Cửa biển nghìn thuyền đậu,
Non ải vạn cờ đào.
Trở tay định bờ cõi,
Kéo sông rửa tanh hôi.
Nhân dân nay còn kể,
Chuyện thắng Hồ năm nào”. Bài thơ được khắc trên vách động Kích Chủ là di sản hết sức quý hiếm trong loại hình mài vách núi đá để khắc chữ làm bia (bia ma nhai), là một trong 54 bài thơ “Ma nhai” được Nhà nước xếp hạng Bảo vật quốc gia. Ngoài ra, vách phía Bắc động Kính Chủ, còn thấy một minh văn, cùng tự dạng với bia Hành dịch đăng gia sơn là: Vân thạch thư thất - Phạm Sư Mạnh thư (Nhà sách Vân Thạch - Phạm Sự Mạnh viết). Như vậy, sinh thời Phạm Sư Mạnh từng có phòng đọc sách trong động Kính Chủ.
Có thể nói, những đóng góp của Phạm Sư Mạnh đối với đất nước Đại Việt thế kỷ XIV là rất to lớn, song điển hình và để lại nhiều dấu ấn nhất là trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao và văn hoá. Tên tuổi, sự nghiệp của Phạm Sư Mạnh đã được sử sách ghi nhận, bảng vàng bia đá khắc ghi và ngày nay hậu thế tôn thờ, ngưỡng vọng. Nhiều làng xã, đường phố, trường học trong cả nước mang tên ông. Năm 2002-2004, khu di tích Văn miếu Mao Điền được nhà nước trùng tu, tôn tạo. Sau khi hội thảo khoa học về bài trí hệ thống thờ tự, các nhà khoa học đã thống nhất phương án lập ban thờ và bài vị Nhập nội Hành khiển, Tiến sĩ Phạm Sư Mạnh tại hậu cung di tích cùng với 7 vị Đại khoa có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực cho mảnh đất Xứ Đông xưa - Hải Dương nay.
Nguyễn Thị Huê Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương