Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Phụ nữ Nam Sách năng động trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ
Thứ bảy - 28/12/2024 07:5930
Nếu như trước kia, hình tượng người phụ nữ gắn liền với bốn chữ “tề gia, nội trợ”, thì ngày nay xuất hiện không ít những nữ nhân dám nghĩ, dám làm, dám học hỏi, không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Trong đó, có những phụ nữ nông thôn vươn lên từ bằng việc làm ra những sản phẩm trên chính mảnh ruộng quê hương mình.
Tương gia truyền bà Chức
Bà Chức với sản phẩm tương gia truyền.
Nhắc đến bà Đỗ Thị Chức, với thương hiệu “Tương bà Chức” thì người dân trên địa bàn xã Thái Tân nói riêng và huyện Nam Sách nói chung ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bà Chức là tấm gương phụ nữ phát huy đức tính cần cù, chịu khó, tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuần thuý tại thôn Mạc Bình, xã Thái Tân, bà Đỗ Thị Chức đã luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Năm 1985 kinh tế gia đình bà gặp nhiều khó khăn, chồng mất sớm mình bà tần tảo nuôi các con khôn lớn. Bà mạnh dạn chủ động học hỏi làm tương bần, đến năm 1997 tương của bà được nhiều người biết đến. Những ngày đầu, gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn, ngoài làm tương bà cày cấy thêm hàng mẫu ruộng, chăn nuôi gà vịt tăng thêm thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với bản tính siêng năng, cần cù tiết kiệm, sau mấy chục năm gia đình bà có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thoa, con dâu của bà hiện là ủy viên BCH Hội LHPN xã, chi hội trưởng phụ nữ trong thôn, đã được bà truyền đạt lại nghề làm tương. Hiện nay gia đình bà có tổng thu nhập làm tương là 50 triệu đồng/năm, gia đình bà được địa phương ghi nhận là hộ có kinh tế vững vàng, cuộc sống gia đình sung túc và hơn hết là những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, có nhiều đóng góp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đến nay, tương của bà đã đạt OCOP 3 sao năm 2023. Làm giàu từ nông sản địa phương Về khu vực thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, nhắc đến chị Nguyễn Thị Minh, mọi người đều biết đến là người dám nghĩ dám làm, vượt khó vươn lên khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Mỗi năm thu nhập của gia đình chị trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ. Chị Minh sinh năm 1992 trong một gia đình thuần nông ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách. Ngay từ nhỏ, ngoài việc ngày ngày chăm chỉ đến trường học, chị còn thường xuyên phụ giúp cha mẹ làm việc đồng áng nên chị cũng gắn bó với công việc của nhà nông. Năm 2010, chị Minh kết hôn với anh Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1988, là thợ sửa chữa máy vi tính, người cùng quê với chị. Sau biến cố của gia đình, chị lâm vào cảnh nợ nần. Vừa phải nuôi 2 con nhỏ, vừa phải nai lưng làm việc để trả nợ và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống gặp nhiều áp lực nhất là về kinh tế. Trước hoàn cảnh khó khăn, được sự động viên của gia đình, bè bạn người thân, vợ chồng chị đã cùng đồng cam, cộng khổ, quyết tâm gây dựng làm lại từ đầu. Vợ chồng chị đã được Hội phụ nữ xã Nam Hưng đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 170 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để phát triển kinh tế.
Chị Minh tại xưởng sấy hành của gia đình.
Vốn là người chịu khó, sáng tạo, bản lĩnh từ một công nhân may, chị nghỉ việc ở công ty, vay mượn tiền để mở xưởng gỗ và mua máy thêu vi tính rồi tự tay thiết kế những họa tiết để người dân chỉ việc dùng miếng thêu dán vào gỗ mà không cần phải mất công đục hay đẽo gỗ như trước. Sau một thời gian, sản phẩm của chị được khách hàng tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ ở tại làng nghề mộc Ngô Đồng, mà các xưởng mộc lân cận ở trong huyện, trong tỉnh cũng tìm đến để đặt hàng nhà chị. Tận dụng nguồn đất bỏ trống, chị bàn với chồng thuê lại một số diện tích của người dân trong thôn để quy vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang quy hoạch trồng cây rau màu chuyên canh. Lúc đầu là một vài mẫu, sau này lên đến 8 mẫu. Vụ đông anh chị trồng hành tỏi, vụ chiêm xuân thì trồng ớt, trồng dưa hấu … Vụ xuân hè năm 2024, anh chị đã trồng 8 mẫu ớt sào. Có chữ tín trong kinh doanh, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm GOV ở Lạng Giang đã tìm đến và ký bao tiêu sản phẩm từ quả ớt sào với giá 7.000 đồng/kg, gia đình chị mỗi ngày bình quân xuất bán gần 2 tấn ớt. Ngoài ra, vụ đông năm 2023 chị Minh tiếp tục là cầu nối, tư vấn mở rộng diện tích trồng rau màu tại một số địa phương như Chí Linh, Kinh Môn, có những hợp đồng ký kết giao giống và bao tiêu ớt ngọt trồng lên đến gần chục ha. Cũng từ nghề trồng hành tỏi, vợ chồng chị Minh đã tìm hướng đi mới cho mình, không chỉ liên kết với các thương lái để tiêu thụ sản phẩm của gia đình và địa phương đang sản xuất mà anh chị đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, đóng gói hành củ khô xuất bán tại các tỉnh thành trong nước như: Hà Nam, Thanh hóa, Nghệ An và các tỉnh phía Nam. Hiện xưởng nhà chị xuất bán hàng tấn hành củ khô mỗi ngày, hàng nông sản của địa phương không đủ xuất bán, chị còn thu mua từ các vùng khác. Cùng với thu nhập đem lại từ xưởng mộc, xưởng sản xuất hành tỏi củ khô và thu lợi nhuận từ 8 mẫu rau màu chuyên canh, chỉ sau 5 năm anh chị đã đả hết nợ nần và xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và có vốn để kinh doanh. Tâm sự với chúng tôi, chị Minh cho biết: “Ngoài việc duy trì 2 xưởng sản xuất để tăng thu nhập của gia đình, hiện xưởng sấy hành nhà chị đã tạo công ăn việc làm quanh năm cho trên 10 người lao động nhàn rỗi mỗi tháng bình quân 1,8 đến 2 triệu đồng, chủ yếu là những người già yếu không có việc làm và gần chục lao động làm việc tại vùng chuyên canh với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng”.