Đầu năm 1945, Lạc Đạo là một trong 5 làng của xã An Lạc. Các làng nằm giữa bốn bề đồng ruộng, đồi núi, là nơi có phong cảnh đẹp, hữu tình. Phong tục tập quán trong việc cưới hỏi có những nét riêng rất cần nghiên cứu, tìm hiểu.
Trước cách mạng tháng 8/1945, cũng như nhiều làng khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương, người dân làng Đại coi việc dựng vợ gả chồng là công việc vô cùng quan trọng của đời người, và được coi là khởi đầu của Đạo vợ chồng.
Tuổi lấy vợ gả chồng ở đây phổ biến con trai 17-18 tuổi, con gái 15 - 17 tuổi. Có một số gia đình, con trai lấy vợ khi mới 10-13 tuổi, con gái lấy chồng khi mới 12-13 tuổi. Trong dân gian thường lưu truyền câu: “Gái hơn hai, trai hơn một” hoặc: “bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Quan niệm lấy vợ về để có người làm cũng rất phổ biến ở đây, cũng có trường hợp lấy vợ lẽ, đa phần là những người giầu có, ít con, hoặc vợ mất sớm, hoặc không có con trai nối dõi. Phong tục đa thê được thể hiện trong ngọc phả của làng. Ngọc phả kể rằng: Thuở người nước Tầu đô hộ nước ta, chúng giết hết đàn ông của làng, chỉ để lại 12 cô gái xinh đẹp, may mắn trong số trai làng có một người đàn ông trốn thoát, ông nấp vào một bụi dứa rừng. Chó của giặc đánh hơi được, chúng chọc giáo xuyên vào tay của ông, giữa lúc nguy cấp thì có một con cáo nhẩy ra từ bụi dứa đã đánh lừa được giặc, nhờ vậy ông thoát chết. Bọn giặc Tầu lấy cớ làng không có đàn ông nên bắt ép 12 cô gái làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 cây xanh với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo chúng về làm vợ. Người đàn ông nọ đã bầy cách cho 12 cô gái đuổi giặc bằng cách lấy nước sôi tưới từ ngoài vào gốc cây để cây dần dần bị chết. Người Tầu coi trọng phong thủy, sợ chạm đến long mạch, nên đã bỏ đi.
Khi đất nước thanh bình, người đàn ông đi lại với cả 12 cô gái và 12 đứa trẻ được sinh ra mang 12 dòng họ của làng Đại bây giờ, đó là: Họ Nguyễn, họ Dương, họ Cao, họ Mạc, họ Phạm, họ Hoàng, họ Tạ, họ Bùi, họ Đào, họ Đỗ, họ Lỗ và họ Lê. Khi người đàn ông kia mất, cây lim cổ thụ nhất trên ngọn núi (tại đền Cao hiện nay) bỗng xuất hiện chiếc bướu lồi ra như hình con cáo đang cuộn tròn nằm ngủ. Không ai nhớ rõ hình con cáo xuất hiện từ bao giờ, nhưng dân làng truyền đời những câu chuyện linh thiêng về cụ Tổ và cho rằng chiếc bướu hình con cáo chính là hiện thân của Thần Cáo đã giúp cụ Tổ của 12 dòng họ thoát được sự truy sát của giặc. Dưới gốc cây lim đó, không biết từ bao giờ, người dân làng Đại lập bàn thờ cụ Tổ và bất cứ việc to, nhỏ trong làng họ đều tới đây thắp nhang xin phép cụ Tổ, kể cả việc cưới hỏi trong làng.
Việc ghi chép những yếu tố thần thánh hóa là việc rất thường có trong các bản thần phả, ngọc phả thời Lê, không riêng gì ở Hải Dương. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập tới phong tục tập quán về cưới hỏi thời kỳ phong kiến của làng Đại.
Quan niệm về hôn nhân ở đây, trước hết xem tuổi, sau đó là tìm nơi môn đăng hộ đối, những gia đình nghèo thì không bao giờ đi hỏi vợ cho con ở những gia đình giầu có, họ sợ tiếng “đũa mốc lại chòi mâm son”, cho nên những gia đình ở những tầng lớp ngang nhau thường hứa hẹn từ khi những đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ.
Trước cách mạng tháng 8/1945, với nền kinh tế tự cung, tự cấp, sự giao lưu còn bó hẹp trong phạm vi làng xã, cho nên việc lấy chồng, lấy vợ chủ yếu là do mai mối, với quan niệm “không ai mang dùi đục đi hỏi vợ” cho nên các ông mối, bà mối thường rất khéo nói, nói hay, nói tốt cho những đối tượng mà mình mai mối. Công việc từ dạm ngõ, ăn hỏi đến tổ chức lễ cưới chủ yếu do bà mối đảm nhiệm. Hoặc những đôi trai gái trong làng quen biết nhau, thầm có ý với nhau, vẫn phải qua sự đánh tiếng của những người lớn. Sau khi công việc mai mối đã xong thì tiến hành lễ cưới.
Nghi lễ dựng vợ gả chồng ở làng Đại được tiến hành qua những bước như sau:
- Lễ vấn danh: Mục đích của lễ vấn danh là nhà trai đến nhà gái để hỏi về tên, tuổi, biết hoàn gia đình, hình thức và tính cách của cô gái. Thành phần nhà trai gồm bố hoặc mẹ, anh chị em ruột, một số các bác, cô, chú trong họ. Thực ra thì những người mai mối cũng đã hiểu rõ về cô gái rồi, nhưng nhà trai vẫn muốn phải mục sở thị. Trong thực tế có nhiều cô gái khi nhà trai đến xem mặt đã bị chê là có đôi gò má cao, họ cho là tướng sát chồng, hoặc béo quá thì cho là vụng về chậm chạp...Những người con gái có dáng vóc khỏe mạnh, thắt đáy lưng ong, cư sử hòa nhã lễ phép thường được chọn ngay...Nếu ưng thuận thì nhà trai có lời mời nhà gái đến thăm nhà mình.
- Lễ dạm ngõ: Sau khi người con trai đã ưng thuận người con gái là bạn đời thì tổ chức lễ dạm ngõ (dấp ngõ), theo quan niệm là nhà trai dấp ngõ nhà cô gái để không ai đến hỏi nữa. Thành phần của lễ dạm ngõ thường có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ của người con trai, người con trai và bà mối. Lễ vật dạm ngõ là từ 10 đến 15 quả cau, 01 gói chè.
Vào đầu thế kỷ XX, lễ vấn danh và lễ dạm ngõ được hợp làm một lần gọi là lễ dạm vợ.
- Lễ ăn hỏi: Đó là việc nhà trai đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức, bàn việc cưới. Thành phần nhà trai gồm: Đại diện là người có vai vế trong họ nội tộc, mà phải từ 50 tuổi trở lên, vợ chồng song toàn, con cái đủ nếp, tẻ, ăn nói lưu loát, thái độ điềm đạm, tế nhị... Trong buổi lễ này chủ yếu nhà trai đem lễ vật sang nhà gái, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình, những gia đình trung lưu thường có một mâm cau từ 100 quả trở lên, một hũ rượu trắng nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, chè khô từ 1 đến 2 kg. Đối với những gia đình bình thường thì số lượng có thể ít đi. Đặc biệt khi đoàn nhà trai xuất phát đi ăn hỏi phải bố trí người đón đường là đàn ông chững chạc, khỏe mạnh, vợ chồng con cái hòa thuận, trước khi đi cũng có lễ thắp hương tại nhà mình để báo cáo với tổ tiên là đi hỏi vợ cho con trai. Cũng trong buổi lễ này hai gia đình thống nhất với nhau về cách thức và nghi lễ cưới cho hai con. Việc xem tuổi hợp nhau hay không sẽ quyết định cho lễ cưới, theo cách tính tuổi của người dân làng Đại là các tuổi 16, 18, 23, 26, 28...sẽ không thuận lợi lắm vì họ sợ sẽ sinh con một bề, hiếm muộn con hoặc gia đình thường bất hòa, chia cắt nên họ hay kiêng các tuổi trên, chờ tuổi thuận mới cưới. Sau lễ ăn hỏi thì hai bạn trẻ sẽ gọi bố mẹ hai bên là bố mẹ, vì họ quan niệm: “ Miếng trầu nên dâu nhà người”. Sau lễ ăn hỏi nhà gái dành một phần lễ vật gửi lại nhà trai, gọi là lại quả.
- Lễ cưới: Thường được tổ chức vào mùa thu và mùa xuân. Nhà trai chủ động xem và chọn ngày, giờ đẹp, các ngày hoàng đạo, đón dâu giờ hoàng đạo, kiêng các ngày sảt chủ, cô thân, quả tú.... Lễ cưới bắt đầu bằng lễ dẫn cưới, lễ dân cưới được tổ chức trước 1, 2 ngày diễn ra lễ cưới (thông qua bà mối). Thành phần lễ dẫn cưới phải là ngôi trưởng họ làm đại diện và cô dì, chú bác trong gia đình và dòng họ, những người đại diện này phải chọn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, trang phục lịch sự cùng chú rể đến nhà gái dẫn cưới, lễ vật gồm: Một buồng cau to, quả đều nhau, một hũ rượu trắng, gạo nếp, gạo tẻ, một con lợn đã mổ và làm sạch nội tạng, ngoài ra còn một khoản tiền (lễ đen), gọi là trả ơn nhà gái đã sinh thành nuôi dưỡng con dâu nhà họ. Lễ dẫn cưới đảm bảo đủ để thắp hương nhà thờ họ và gia đình nhà gái.
Vào ngày cưới, việc làm cỗ cưới được thực hiện trong hai ngày, trước ngày rước dâu và trong ngày rước dâu. Cỗ trước ngày rước dâu làm để mời các vị chức sắc trong làng xã, đại diện dòng họ nội ngoại và anh chị em ruột thịt trong gia đình, bạn bè ở xa về...Ngày rước dâu làm cỗ to hơn một chút, đối tượng mời rộng rãi theo mối quan hệ của gia đình. Đối với các gia đình trung lưu cỗ thường có: 6 đĩa, 4 bát với các món ăn phổ biến như: 2 đĩa thịt lợn nạc luộc, 1 đĩa thịt ba chỉ, chân giò thái rối, 1đĩa giò, 1 đĩa chả, 1 đĩa nem chạo, 1 đĩa thịt kho đậu hoặc đĩa thịt xào giá đỗ. 4 bát gồm: Bát măng khô ninh với xương lợn, bát miến nấu, bát canh bí xanh, bát canh khoai sọ. tùy theo mùa rau củ mà làm cỗ.
Việc mừng đám cưới tùy theo mối quan hệ, thường mừng bằng thóc, gạo cho họ nhà trai, nhà gái thường không có quà mừng, vì họ quan niệm đã có lễ vật của họ nhà trai mang đến rồi.
Các gia đình có con gái đi lấy chồng thường cho của hồi môn, tùy theo hoàn cảnh giầu nghèo, đều có. Ở làng Đại còn lưu truyền câu chuyện về một gia đình họ Dương trong làng có con gái gả chồng cho một ông Chánh hội ở làng Trung (thôn Bờ Dọc ngày nay) đã cho con gái của hồi môn là 3 gánh bạc trắng, 8 mẫu ruộng và 3 con bò. Ở làng Đại không có lệ nộp cheo cho làng.
- Lễ rước dâu: được tổ chức vào buổi trưa trong ngày cưới, khi hai gia đình đã ăn cỗ xong. Nhà trai tổ chức đoàn người đi đón dâu thường chọn số lẻ 11, 15, 17,19, 21...người gồm: Vị đại diện dòng họ, mẹ chú rể, cô dì, chú, bác , anh chị em và bạn bè thân với chú rể. Trang phục đẹp, lịch sự. Cử người bưng khay lễ xin dâu, lễ gồm 5 quả cau, 5 lá trầu không,1 chai rượu trắng, phủ khăn đỏ. Khi xuất phát nhà trai bố trí một người đàn ông, chững chạc, khỏe mạnh đón đường để cầu mong cuộc đón dâu được thuận lợi, đi đến nơi về đến chốn.
Đoàn rước dâu đến gần nhà gái mà gặp đám trẻ chăng dây thì cho đó là điều may mắn, phần lớn do nhà gái bố trí trước vì theo quan niệm, đây là sự ngáng trở, khó khăn ban đầu “vạn sự khởi đầu nan”, nếu vượt qua được thì cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sẽ may mắn. Thế cho nên nhà trai phải bỏ một chút tiền lẻ cho đám trẻ chăng dây để được đi vào nhà gái đón dâu. Ở cổng nhà gái đã bố trí sẵn một một người đàn bà chững chạc, có tuổi từ 50 trở lên (người trong họ) và một cô gái trẻ đón lễ của nhà trai vào để xin dâu, khi cô gái trẻ đi ra thông báo đã nhận lễ thì đoàn nhà trai mới vào.
Tại nhà gái, cô dâu với trang phục đẹp nhất hiện có, chuẩn bị quần áo, đồ dùng cần thiết xếp vào rương, hòm, hoặc tay nải (tùy theo hoàn cảnh gia đình), ngồi trong buồng đợi. Sau khi thủ tục xin dâu và trao dâu xong, chú rể bước vào buồng đón cô dâu ra cúi chào hai họ, xin phép thắp hương gia tiên. Sau đó là những lời dặn dò, gửi gắm con gái cho họ nhà trai và tiến hành rước dâu về nhà chồng. Nhà gái cử đại diện dòng họ nội ngoại đi đưa dâu, với quan niệm đi đến nơi về đến chốn.
Trên đường rước dâu nếu phải qua cầu, đò thì cô dâu rải chút tiền lẻ xuống cúng thổ thần, cầu mong cuộc hôn nhân tốt đẹp. Khi về đến cống nhà trai thì đốt pháo mừng, tỏ lòng hân hoan chào đón cô dâu và họ hàng nhà gái. Sau khi hai họ yên vị thì lễ cưới được tổ chức. Việc đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ là vào cúng lễ tổ tiên, sau đó ra chào hai họ và ngồi vào vị trí trung tâm. Sau khi đại diện của hai họ có lời xong thì cô dâu chú rể mời nước cha mẹ, họ hàng hai bên và khách dự lễ cưới.
Sau lễ cưới hai ba ngày thì làm lễ lại mặt. Lễ vật lại mặt gồm thủ lợn, gạo nếp, đối với nhà bình dân lễ vật là đôi gà sống thiến, hoặc chiếc chân giò lợn và vài ba ca gạo nếp, nếu nhà nghèo quá thì chỉ vài ca gạo nếp.
Sau lễ lại mặt thì từ đây hai bên gia đình có quan hệ thân hữu, coi nhau như người một nhà, gọi nhau bằng ông bà thông gia, cô gái về nhà chồng được gọi theo tên chồng. Nếu lấy vào con trưởng trong gia đình mà đã mua Nhiêu của làng thì các em chồng gọi là chị Nhiêu.
Ở làng Đại xưa nay vẫn có lệ cưới chạy tang. Khi gia đình có tang, cô gái đã có lễ hỏi, hai gia đình tổ chức cưới nhanh. Đám cưới chạy tang thường rất đơn giản, nhà trai cử một số người đại diện dòng họ và chú rể đem lễ vật đến nhà gái, đón dâu một cách vội vã, khi đón dâu xong thì nhà có người mất mới làm lễ phát tang, nếu không cưới chạy tang thì đôi trẻ còn phải đợi 3 năm sau khi mãn tang mới được tổ chức lễ cưới.
Tục lệ lấy vợ lẽ (vợ bé) thường xảy ra ở các gia đình hiếm muộn, không có con trai, ít con, vợ chết, vợ bỏ, hoặc những người có chức sắc trong làng , xã, giầu có, nhiều ruộng đất là thường lấy vợ lẽ. Nghi thức cưới vợ lẽ cũng phải tiến hành đầy đủ thủ tục, song đơn giản hơn, có gia đình chú rể không đi đón dâu mà để vợ cả đi đón.
Qua tìm hiểu phong tục về việc cưới hỏi ở làng Đại trước cách mạng tháng 8/1945, cho ta thấy việc cưới hỏi là một việc rất hệ trọng trong đời một con người, việc đó đã được gia đình, dòng họ và làng xã thực hiện rất chu đáo và tuân thủ theo phong tục Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi làng xã thường có những quy định riêng, ví dụ ở làng Đại không có tục lệ nộp cheo trong khi ở hầu hết các làng của Hải Dương có lệ này. Xưa dân gian còn có câu ca: “ Nuôi lợn thì phải vớt bèo? Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng”. So sánh với việc cưới hỏi nhiều năm trở lại đây thì đã có nhiều sự thay đổi. Nhiều hủ tục đã bị xóa bỏ bỏ, ví dụ như tục lấy vợ lẽ, tục chăng dây trong đám rước dâu, tục thách cưới nặng nề...Điều thay đổi cơ bản là tự do hôn nhân, không có mai mối hoặc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con cái và có trách nhiệm trong việc tổ chức cưới hỏi cho con theo đúng phong tục.
Lê Thị Dự - Nguyễn Thị Quế