Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Những công nhân hăng say sáng tạo, cải tiến kỹ thuật
Thứ tư - 25/10/2023 15:065040
Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, nhiều cá nhân sinh sống, học tập và làm việc trên mảnh đất xứ Đông dù làm việc ở lĩnh vực nào cũng không ngừng nỗ lực nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng và cải tiến kỹ thuật vào công việc đem lại giá trị hiệu quả kinh tế-xã hội cao; nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ.
Thiết kế phớt nhựa thay thế hàng nhập khẩu
Anh Dương Văn Dựng, sinh năm 1988, là Trưởng Phòng Cơ khí kiêm Trưởng Phòng KCS (Phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm) thuộc Công ty Cổ phần Sản xuất chế tạo và Thương mại Đức Anh (Thị xã Kinh Môn), đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho doanh nghiệp. Vốn say mê chế tạo máy móc từ nhỏ, anh Dựng theo học và tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ chế tạo máy Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Khi về làm việc tại Công ty Công ty Sản xuất chế tạo và Thương mại Đức Anh chuyên sản xuất con lăn băng tải công nghệ châu Âu, anh Dựng luôn tích cực sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào công việc, được Ban Giám đốc của Công ty đánh giá cao. Trong số những sáng kiến của mình, mới đây giải pháp “Cải tiến khuôn ép phớt nhựa trong nước thay thế hàng nhập khẩu” của anh Dựng đã giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, kinh doanh, giảm thời gian, nhân công, tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất tại Công ty CP Sản xuất chế tạo và Thương mại Đức Anh, việc sử dụng phớt nhựa trong vận hành máy móc thường có khe hở lớn, bụi lọt vào ổ lăn sẽ làm vòng bi nhanh hỏng, mất nhiều công vệ sinh. Công ty phải nhập khẩu những phớt nhựa khác để thay thế với chi phí tốn kém. Anh Dựng đã thiết kế một bộ phớt nhựa làm từ nhựa nguyên sinh PA66 có độ dẻo dai, chịu mài mòn cao, hạn chế tối đa va chạm, vỡ hỏng nhằm giảm khe hở giữa các chi tiết với nhau. Qua 3 lần áp dụng thử trong sản xuất và điều chỉnh thông số phù hợp, bộ phớt nhựa do anh Dựng chế tạo đã được áp dụng thành công. Công ty không phải nhập khẩu phớt nhựa từ nước ngoài như trước mà sản phẩm làm ra vẫn bảo đảm chất lượng. Bộ phớt nhựa do anh Dựng thiết kế còn được nhiều doanh nghiệp lớn khác sử dụng, đánh giá cao, như: Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đã dùng trên 6.000 con lăn có bộ phớt nhựa; Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành dùng 3.500 con; Công ty Xi măng Phúc Sơn dùng 3.200 con... Điều này khẳng định thêm về chất lượng, hiệu quả của sáng kiến kỹ thuật mà anh Dương Văn Dựng đã thực hiện. Chế tạo hệ thống xử lý nhân dừa tự động
Đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật: “Hệ thống xử lý nhân dừa tự động” của anh Nguyễn Việt Dũng - Phó Quản đốc phân xưởng phục vụ - phụ trợ, Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) đã mang lại hiệu quả cao, mỗi năm tiết kiệm hơn 1,7 tỷ đồng cho doanh nghiệpquá trình sản xuất. Công ty TNHH Long Hải là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nên việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hết sức được đề cao. Trước khi có hệ thống tự động, Công ty sử dụng hệ thống xử lý nhân dừa thủ công. Nhận thấy cách làm này có nhiều hạn chế, tốn nhiều nhân công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn lao động, anh Dũng đã có ý tưởng thực hiện hệ thống xử lý nhân dừa tự động. Sau nhiều tháng tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm và điều chính thông số máy móc, anh Dũng đã thực hiện sáng kiến với nhiều giải pháp như: áp dụng chuyển dừa giữa các công đoạn bằng máng dẫn, băng tải và đường ống hút chân không. Thiết bị được chế tạo bằng inox bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không cần nhiều người vận hành. Máy ép dừa thông thường được thay bằng máy ép dừa băng tải giúp chất lượng dừa đồng đều phù hợp với yêu cầu công nghệ, máy vận hành tự động… Với sự quyết tâm cao và sự ủng hộ của ban lãnh đạo công ty, đến đầu năm 2022, hệ thống xử lý nhân dừa tự động do anh Dũng chế tạo đã được đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả rõ rệt. Các công đoạn xử lý nhân dừa đều được làm trên hệ thống tự động, sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động. Nếu như trước đây cần 18 người/ca để sản xuất thạch rau câu và nước rau câu thì nay chỉ cần 11 người (giảm 7 người). Hệ thống tự động giúp công nhân vận hành thoải mái, nhẹ nhàng, hiệu quả. Đam mê chế tạo máy móc tự động Anh Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1972), nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát (Bình Giang) đã có nhiều đóng góp, sáng tạo kỹ thuật trong lao động, sản xuất, được Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Giới thiệu về hệ thống máy ép rotor tự động, anh Hiếu cho biết đây là chiếc máy anh cùng một số đồng nghiệp đã chế tạo ra từ năm 2019. Trong quá trình làm việc, nhận thấy những máy ép bán tự động lạc hậu làm nhiều sản phẩm bị lỗi, tốn kém chi phí và thời gian để sửa chữa. Chiếc mày do anh Hiếu chế tạo mỗi ngày có thể ép được 1.200 quả chỉ với một người vận hành, trong khi máy cũ mỗi ngày chỉ ép được khoảng 300 quả rotor với 3 người vận hành. Sau khi hoàn thành chiếc máy đầu tiên, nhận thấy hiệu quả, anh Hiếu cùng đồng nghiệp tiếp tục chế tạo ra chiếc máy ép thứ 2. Hiện 2 máy ép này đều tiết kiệm nhân lực, đáp ứng được yêu cầu công việc. Số lượng sản phẩm bảo đảm, chất lượng đều, hạn chế các lỗi trước đây. Năm 2020, anh Hiếu mày mò nghiên cứu, chế tạo máy chặt và thu hồi dây đồng emay của những motor cháy hỏng. Trước kia, việc chặt và thu hồi dây đồng emay bị cháy hỏng thực hiện thủ công, năng suất rất thấp, cần nhiều nhân công. Nhưng với máy thu hồi dây emay cháy hỏng tự động chỉ cần một người làm có thể xử lý tốt những đoạn dây cũ hỏng. Trong quá trình thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các loại máy móc, anh Hiếu đã gặp không ít khó khăn về việc tìm kiếm vật tư phù hợp, đáp ứng được yêu cầu độ bền, ổn định của máy. Dù đã thất bại nhiều lần nhưng nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí cùng bản tính cần cù, anh Hiếu luôn quyết tâm biến những ý tưởng thành hiện thực. Hiện tại, anh Hiếu đang nghiên cứu, sáng tạo máy khoan vỏ mô tơ 1 pha tự động, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. "Cây sáng kiến" Hoàng Xuân Quý Với tinh thần làm việc hăng say, luôn học hỏi để đổi mới, cải tiến kỹ thuật, từ năm 2018-2022, anh Quý đã có nhiều sáng kiến có ích, làm lợi cho doanh nghiệp. Điển hình là sáng kiến về giải pháp thiết kế “Cải tiến van đổ bi máy nghiền dây chuyền 2 Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại” làm lợi gần 1 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Trước khi thực hiện sáng kiến, anh Quý nhận thấy việc vận hành thiết bị cũ mất nhiều thời gian, sức lao động, nhiều lúc không an toàn. Vì thế, anh quyết tâm tìm giải pháp cải tiến van đổ bi máy nghiền để khi nạp bi vào không còn hiện tượng kẹt van, bảo đảm hiệu suất vận hành của máy nghiền và lò hơi. Ngay sau khi sáng kiến được đưa vào áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí vận hành, bảo đảm năng suất phát điện cho dây chuyền, làm lợi cho doanh nghiệp gần 1 tỷ đồng/năm. Trong quá trình thực hiện giải pháp cải tạo van đổ bi, anh Quý và một số đồng nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì trên thị trường chưa có thiết bị tương tự. Tuy nhiên với kinh nghiệm sản xuất và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, anh đã thực hiện thành công ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, anh Quý đã sáng tạo trong sửa chữa hệ thống van Silo góp phần làm lợi hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp. Bước đầu anh đã gia công cho xi lanh pittong-một bộ phận tăng chỉnh có thể tăng hoặc giảm theo ý muốn giúp điều chỉnh khe hở giữa mặt động và mặt tĩnh của van. Sau đó anh cải tiến lò xo giảm chấn động mặt van và gia công một mặt động phụ bắt vào mặt động chính để khi sửa chữa chỉ cần tháo mặt phụ ra sửa rất nhẹ nhàng, đơn giản không mất nhiều công và thời gian, không làm ảnh hưởng đến mặt động chính. Từng tốt nghiệp cao đẳng với chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, anh Quý không ngừng học hỏi nâng cao trình độ. Quan điểm của anh là không ngừng học hỏi, sáng tạo mới làm cho tay nghề của mình được trau dồi, vững vàng hơn. Những con người say sưa với việc cải tiến kỹ thuật này đều có điểm chung là ham học hỏi, cần cù, chịu khó, vượt mọi khó khăn thử thách. Một yếu tố cũng rất quan trọng để nuôi dưỡng, khích lệ tinh thần sáng tạo kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đó chính là sự quan tâm, hỗ trợ, ghi nhận từ chính nơi làm việc thông qua khen thưởng, hiện vật, chính sách đãi ngộ về lương thưởng, nhà ở hoặc đơn giản là những động viên tinh thần hàng ngày. Vừa qua, trong lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV- phần thưởng cao quý dành cho những lao động có thành tích xuất sắc trong sản xuất, do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 24/7, trong số 167 cá nhân được trao giải trên toàn quốc, Hải Dương có 04 cá nhân. Đó chính là những lao động sáng tạo kể trên, gồm: Nguyễn Trọng Hiếu; Dương Văn Dựng; Hoàng Xuân Quý; Nguyễn Việt Dũng. Khen thưởng này là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của họ trong lao động sản xuất, cũng là sự cổ vũ, khích lệ động viên tinh thần sáng tạo kỹ thuật đối với những người lao động thuộc mọi lĩnh vực của đời sống.