Danh tướng Nguyễn Đình Thiêm và chiếc xanh đồng vua ban

Chủ nhật - 29/12/2024 20:03 6 0
Trong lịch sử dân tộc cũng như địa phương thường ghi chép thiếu sót về bằng cấp cũng như công trạng võ quan mà thiếu họ không thể tạo nên những chiến công lừng lẫy, trong đó có võ tướng Thái tể Nguyễn Đình Thiêm, quê trấn Hải Dương.
Về mặt chính trị, Nguyễn Đình Thiêm sinh trưởng ở nửa cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc đang trị vì ở Thăng Long và Hải Dương, ông được đào tạo và làm quan võ dưới thời Mạc Phúc Nguyên (1546-1563), những đến năm 1560, ông mang quân theo Lê Trung Hưng, được nhà Lê trọng dụng và giữ nhiều trọng trách trong triều đình Lê Trịnh. Cùng thời không ít quan lại ở trong tình trạng này. Nhà Mạc quê tại Hải Dương, phát tích tại Hải Dương, có nhiều công trạng với lịch sử dân tộc, nhưng cũng không ít bi kịch. Nhiều người quê Xứ Đông, có khi từng làm quan với nhà Mạc, cuối đời lại chống nhà Mạc, theo nhà Lê như:  Đinh Văn Tả, và ở đây là Nguyễn Đình Thiêm, vì vậy đánh giá về công trạng của những nhân vật này là không dễ.
15
Chiếc xanh đồng hai quai.

Theo hồ sơ lưu tại Bảo tàng Hải Dương, Nguyễn Đình Thiêm, hiệu Phúc Cơ, quê gốc làng Đoàn Thượng, huyện Gia Phúc (Gia Lộc), vốn làm nghề đánh cá, xuôi dòng về làng Vó, xã Quảng Nạp, nay là thôn Nghị Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Gia đình có 2 anh em là Nguyễn Đình Thiêm và Nguyễn Đình Đông. Ông Đông làm nghề buôn bè, ngụ tại quê để giữ hương hỏa dòng họ. Ông Nguyễn Đình Thiêm thuở nhỏ được đi học 10 năm ở trang  Đa Phú, sau đó ông lên lò võ vật ở xã Kiệt Đặc, huyện Phương Nhỡn (Chí Linh) học võ thuật, một thời gian, sau lại đi học ở lò võ Tiên Sơn (Bắc Ninh) trở thành người võ nghệ tài ba.
Năm Quang Bảo thứ 3 (1557), Mạc Phúc Nguyên mở khoa thi võ, chọn người tài chống lại Lê Trịnh, khi đó triều đình nhà Lê lưu vong  ở miền tây Thanh Hóa. Ông Thiêm trúng tuyển Tam trường, khi đó mới 23 tuổi (sinh 1554), được triều đình nhà Mạc phong  Đô lực sĩ, Võ tướng quân, mang quân trấn ải Gián Khẩu ở phòng tuyến Hoa Lư, Ninh Bình. Theo lịch sử khoa cử võ quan, tam trường ban võ tương đương Tiến sĩ văn ban. 
Năm Quang Bảo thứ 6 (1560), ông Thiêm rời Gián Khẩu, đem quân vào Thanh Hóa, hàng phục nhà Lê Trung hưng, được triều đình nhà Lê cho giữ nguyên chức tước.
Năm 1961, ông được thăng Hữu thị lang, chọn làm tướng tiên phong cầm quan ra Bắc, đánh nhà Mạc. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, phải chạy lên Cao Bằng. Tiếp đó ông được phong là Phó tướng cầm quan đánh nhà Mạc ở Kinh Môn và Cao Bằng trong 2 năm. Khi cầm quân, ông được trang bị 20 chiếc xanh đồng to nhỏ, 2 quai và 4 quai để nấu ăn cho quân lính. Năm 1594, vì có nhiều công lao, được thăng Tả thị lang bộ Binh, tước Quận công (Võ ban ngang với chánh nhất phẩm), được mang một đạo quân về thăm quê và ban thưởng cho 2 chiếc xanh đồng. Sau ông làm Tiền trung hậu quân, Thái tể (chánh nhát phẩm) coi giữ bốn phủ đường ngoài, 4 bốn phủ đường trong, có quyền uy rất lớn.  Ông là đức độ thương dân.
Trong lúc làm quan, ông đã nhiều lần về thăm quê Nghi Khê, công đức nhiều gỗ quý, làm tứ trụ và đá tảng. Trong văn bia Hậu thần, khắc dựng năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) có ghi những tài sản ông công đức để thờ Thành hoàng, khi đó hiện còn, gồm: Áo triều 2 cái, Mũ triều 2 cái, lồng mũ mạ vàng 2 cái, áo thêu kim tuyến  đồng bộ 1 cái, bát vàng 1 đôi, lô hương có hoa văn 3 cái, đỉnh 1 cái, dung vàng 1 đôi, trống nhỏ 1 cái, ao 1 cái ở giáp đình làng, đều cung tiến để thờ thần. Các đồ vật và ao trên trị giá đương thời bằng 200 quan tiền, ngoài ra còn gỗ, đá làm đình… chưa kể 2 chiếc xanh đồng cỡ lớn. 
Ông Thiêm mang 2 chiếc xanh đồng về quê, biếu dòng họ Nguyễn Đình một chiếc, đó là chiếc xanh 2 quai hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, một chiếc 4 quai, còn gọi là vạc tặng dân làng, lưu ở đình, vì vậy được tôn làm hậu thần.
Ông mất ngày 21 tháng 9. Thi hài được an táng kiểu xác ướp tại quê. Mộ bị giặc Pháp phá hủy, dòng họ Nguyễn Đình chôn cất lại. Công trạng tướng quân khắc ghi trong bia hậu của làng năm Cảnh Thịnh thất niên (1799) và một tấm mộc lục bằng nôm, hiện còn. Năm 1950, nhà trưởng bị bom giặc Pháp phá hủy nhà cửa cùng bia ký, chỉ còn một bia nhỏ nay cũng thất lạc.
Chiệc xanh đồng 4 quai nay đã thất lạc, chiếc xanh đồng 2 quai hiện được lưu ở Bảo tàng tỉnh. Xanh đường kính miệng 80cm, cao 31cm, nặng 75kg, sưu tầm tại thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ.  Ngày 31-1-1964, do đồng chí Dương Đình Xòe, cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương sưu tầm tại thôn Nghi Khê, nhập kho cùng ngày, trưng bày ngày 2-9-1990. Đây là chiếc xanh đồng tạo vào cuối thế kỷ XVI và lớn nhất tỉnh, trong số những hiện vật cùng loại đã biết. Ngoài hiện vật trên, tại Nghi Khê còn tấm bia hậu và bài tán bằng chữ nôm ghi trên gỗ. Đây là hai hiện vật có giá trị về lịch sử và văn học. Xin trích bài Minh trong văn bia dịch từ Hán văn:
Minh rằng
Trời giúp nhà vua
Sống lâu hơn người.
Như Lệnh công ta,
Gặp buổi hanh thông
Quản binh Vương phủ
Nam kinh địch sợ
Với nước có công
Với dân hiếu thảo
Sự nghiệp nổi tiếng
Công danh lẫy lừng
Kỳ Nghi(1) ghi nhớ
Muôn đời không đổi.  
Cảnh Thịnh thất niên, ngày 26-11 (1799)
Bài tán ghi trên biển gỗ
Đây là một bài tán hay về mặt lịch sử và văn chương, viết bằng chữ Nôm khá tinh tế, có thể nói là đỉnh cao về ngôn ngữ tiếng Việt. Về niên đại chưa có cơ sở khoa học để xác định chính xác, nhưng căn cứ vào những văn bản có liên quan, như bia Hậu thần, viết năm 1799, thì có thể suy ra bài tán trên ra đời cùng thời hoặc muộn hơn một chút. Chúng ta biết rằng, từ cuối thế kỷ XVIII, văn chương  viết bằng chữ Nôm đã đạt dến đỉnh cao, điển hình như Chinh phụ ngâm (征婦吟) ra đời khoảng năm 1741, Truyện Kiều hoàn thành khoảng năm 1788. Đây là hai tác phẩm có giá trị lớn về văn chương viết bằng chữ Nôm. Dưới đây là nội dung bài tán ca ngợi công đức của tướng quân Nguyễn Đình Kiên.
Nay mừng:
Trời sinh Thượng Thánh,
Vận mở Trung hưng,
Trong thành rồng vàng đặt âu vàng, chăm chắm áo xiêm Ngưu Thuấn,
Ngoài đầm nhạn vỗ yên con đỏ, bo bo chăn chiếu Đường Ngu,
Một trời gặp hội thái bình, đòi đoạn vững ca ký túy,
Khá khen bản đình ta Tứ La, Kỳ phái, Nghi ý, Khê tuyền,
Trập trùng đội đỉnh, khôn sơn kim thôi thời mộc lai láng mấy dòng,
Cấn thủy tịnh đã lại triều phù sau thời bến Đện,
Nghiêm từ đứng trước có Thiên quan đài Phạm
Đất tốt thần linh ứng hộ dân lành,
Lư lý an ninh sĩ thời học đạo
Tứ nghi thi thư nối gót nông bản vận tài
Tứ hải xương lẫm chen vai công giỏi giang, mực thước Lỗ Ban
Thương lưu loát bể hồ Phạm Lãi.
Trước đã có công khanh nhất phẩm danh nức triều đình,
Nay hãy còn văn vũ lưỡng đồ hoa thơm đất nước.
Hội đại khải tàng quy một tiệc phải thân,
Nghhiêm ước thức ba điều trong quang trung mũ áo,
Nghiêm trang tế đám phải cho nghiêm
Đám ngoài tư sở tiếng đàn chúc tụng.
Hát đình thì phải vịnh đình
Đôi bên bàn thứ cứ ngồi mấy kẻ bàng quan danh tiếng
Dực trước để tôn nghiêm thờ thánh vững bền thêm khỏe nghiệp dân sinh
Sau là để kính cẩn thờ thần phúc lộc thêm bồi nền thọ vực.
Ước điều mấy chữ phân minh,
Ai những một lòng kính thính.
(Vũ Bá Trửu Ngoc Lâm phiên âm)
Bản phiên âm này căn bản là tốt, tuy nhiên cần phaỉ hiệu đính vài từ.
Sự nghiệp danh tướng Nguyễn Đình Thiêm cần được những ngành hữu quan tổ chức các cuộc hội thảo để có thể bổ sung vào nhân vật chí Hải Dương và phát huy trên nhiều phương diện khác.                                 
Chú giải:
  1. Nghi là xã Nghi Khê, Kỳ là huyện Tứ Kỳ.
Tăng Bá Hoành
 
 Từ khóa: NGUYỄN ĐÌNH THIÊM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây