Đặc sắc Lễ hội Đền Tranh

Thứ ba - 09/05/2023 16:42 283 0
Đền Tranh hay đền Quan Lớn Tuần Tranh thờ Quan Lớn Đệ Ngũ. Đền nằm ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Ngôi đền này thờ phụng Quan Lớn Đệ Ngũ (Quan Lớn Tuần Tranh) do địa điểm này chính là quê hương của ông cũng như là nơi ông đã hiển tích. Bên cạnh đó, Đền Tranh còn thờ phụng nhiều ban thờ các vị thần anh linh Tứ Phủ. Đây được coi là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Đông, thu hút rất đông khách thập phương về chiêm bái.
Ngôi đền ngắn liền với sự tích Quan lớn Tuần Tranh, viên quan phủ Ninh Giang xưa. Chuyện kể rằng tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường  quấy phá cuộc sống người dân. Một hôm, chúng bắt đi người vợ xinh đẹp của quan. Vị quan này khởi kiện Long Vuong, người cai quản đại dương, sông suối. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông, giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sông bình an, may mắn. Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương Tăng Bá Hoành, thì ngã ba sông Tranh là nơi giao nhau giữa sông Luộc và sông Hóa. Nơi đây gần biển nên chịu ảnh hưởng rất mạnh của nước thủy triều. Mực nước thấp nhất và cao nhất chênh nhau tới vài mét. Thời xa xưa, do hệ thống đê điều chưa hoàn thiện, dòng chảy chưa được cải tạo gây nên rất nhiều thiệt hại cho thuyền bè qua lại trên sông. Người dân tin rằng một thế lực siêu nhiên có sức mạnh to lớn đã gây nên hiện tượng này. Khi bất lực trước tự nhiên, con người phải cầu xin sự che chở, bao bọc, giúp đỡ của thế lực siêu nhiên huyền bí. Nhiều câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại đã được xây dựng. Trải qua thời gian, những câu chuyện này đã ngấm sâu vào tâm thức người dân và trở thành một phần không thể thiếu, tạo nên sự hấp dẫn, kỳ bí cho ngôi đền.
8
Lễ hội đền Tranh năm 2023. Ảnh: Hoàng Hương

Đền Tranh có hai kỳ lễ hội mỗi năm: Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 2 âm lịch và là kỳ lễ hội chính;  Kỳ thứ hai là từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 8 âm lịch. Lễ hội Đền Tranh được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức với những nghi lễ trọng thể với các đội tế lễ ăn mặc rất đẹp mắt. Những năm trở lại đây, ngày càng nhiều khách thập phương trong, ngoài tỉnh đến tham gia lễ hội. Năm nay, lễ hội được tổ chức long trọng, ý nghĩa hơn bởi có thêm nội dung công bố và trao Quyết định đưa Lễ hội truyền thống Đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, vào ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 2 lễ hội của Hải Dương, đó là Lễ hội truyền thống Đền Tranh và Lễ hội truyền thống Đền Cao An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn). Cụ thể, thời gian tổ chức lễ hội xuân Quý Mão 2023 diễn ra trong 3 ngày, ngày 01 và ngày 04, 05 tháng 3 năm 2023 (tức ngày mùng 10 tháng 02 và ngày 13, 14 tháng 02 năm Quý Mão). Các hoạt động khác của lễ hội còn có: Lễ dâng hương; Tế Quan và tế Mẫu; Lễ Mộc dục. Bên cạnh đó, lễ hội cũng tổ chức các trò chơi dân gian như: đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, chọi gà, bóng bàn, bóng chuyền hơi nam - nữ, pháo đất, cầu lông. Theo những nhận định từ bà Lê Thị Dự - Nguyên Trưởng phòng Bảo tồn, Bảo tàng Hải Dương, thì lễ hội Đền Tranh trước và sau cách mạng tháng Tám 1945 cũng có nhiều sự thay đổi.
Lễ hội đền Tranh trước cách mạng tháng 8 năm 1945:
Hội thường có tên gọi là Hội Đền Tranh, nhân dân địa phương còn gọi là: Hội đền Quan Lớn Tuần Tranh.
Một năm đền Tranh có hai kỳ lễ hội: Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 2 âm lịch, trọng hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày mùng10 đến 20 tháng 8, trọng hội là ngày 22 tháng 8, mở theo lễ hội đền Kiếp Bạc. Trọng tâm là kỳ hội thứ nhất. Ngày tiệc quan được mở vào 25 tháng 8.
Về quy mô lễ hội: Do hội đủ các điều kiện tự nhiên, xã hội, Đền lại có tiếng linh thiêng nên trong các dịp lễ hội nhân dân cả nước về dự hội, có tới hàng vạn người, hàng quán mọc lên san sát để phục vụ lễ hội. Hơn nữa lễ hội truyền thống được Kỳ hào, Lý trưởng, Tiên chỉ và các giáp lệnh duy trì, thành lập ban trị sự có luật lệ nghiêm ngặt, vì thế cho nên trở thành lễ hội rộng lớn trong vùng và lan ra gần như cả nước và có các kỳ Hội với các hình thức tổ chức sau đây:
- Kỳ hội thứ nhất: Thời gian tổ chức từ 10 đến 20 tháng 2, trọng tâm là ngày 14 tháng 2 đó là kỷ niệm ngày sinh của Quan Lớn Tuần Tranh. Sáng ngày mùng 10 tháng 2 Quan tri phủ Ninh Giang về đền làm lễ ban ấn. (ấn đã bị thất lạc từ lâu, chỉ còn hộp để ấn hiện thờ trong cung cấm). Từ ngày 13/2 làm lễ thỉnh kinh rước nướcqua các cửa đền rồi ra bờ sông Tranh...
Ngày 14 tháng 2 Làm lễ rước kiệu Quan Lớn Tuần Tranh.
Ngày tiệc quan được tổ chức vào 25 tháng 5 âm lịch- đây là lễ niệm ngày quan lớn Tuần Tranh bị đi đầy ở Kỳ Cùng - Lạng Sơn, theo truyền thuyết đây cũng là ngày quan lớn khao tiệc, khách đến dự hội là quân sĩ, những người làm ăn buôn bán rất đông. Trong tiệc này chủ yếu là tế lễ và hát chầu văn. Nhân dân địa phương cho đây là lễ buồn nên việc tế lễ thành tâm là chính, mọi người lấy ngày này là ngày giỗ của Quan Lớn Tuần Tranh.
Kỳ hội thứ hai: Từ ngày 10 đến 20 tháng 8 âm lịch, trọng tâm là ngày 22 tháng 8, đây là kỳ hội kỷ niệm ngày giỗ của đức vua cha Bát Hải Đại Vương, kỷ niệm Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên. Kỳ hội này không tổ chức rước chỉ có lễ và hát chầu văn.
So với các lễ hội khác trong tỉnh thì lễ hội đền Tranh tổ chức dài ngày, nhưng có lệ xiên đình độc đáo trong đám rước và có hát chầu văn cho nên thu hút nhiều người về dự hội, đặc biệt đây là lễ hội cúng thuỷ thần có tiếng linh thiêng ở vùng sông nước Việt Nam. Do vị trí nằm cạnh sông Luộc, nên các lễ hội ven sông có sự giao lưu, qua lại, bên kia sông Luộc là đất Quỳnh Côi của tỉnh Thái Bình và Vĩnh Bảo- Hải Phòng, từ lâu đời dân nơi đây sống với nhau hoà thuận và có sự giàng buộc về quan hệ họ hàng, bà con thân thiết. Đền Tranh luôn là nơi đi trình về tạ của tất cả những người đi sông nước. Bên Thái Bình có đền thờ vua cha Bát Hải thuộc xã An Lễ huyện Quỳnh Phụ, từ xưa đến nay, trước khi đền An Lễ mở hội đều cho người mang lễ vật trầu cau, hương vàng sang trình tại đền Tranh với mong muốn quan lớn sẽ phù hộ cho đi lại thuận tiện không gặp rủi ro trên sông nước. Tại đền Kỳ Cùng Lạng Sơn, nơi thờ Quan lớn Tuần Tranh cũng mở hội theo hội đền Tranh, một số đền thờ dọc đôi bờ sông Luộc thuộc tỉnh Hưng Yên cũng thường đến giao lưu với lễ hội đền Tranh để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau.
Lễ hội đền Tranh sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay:
Sau hơn nửa thế kỷ trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nhân dân địa phương không có điều kiện mở lại lễ hội. Từ sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, cùng với các hoạt động văn hoá văn nghệ khác, Đền Tranh đã được trùng tu, tôn tạo và lễ hội truyền thống đã được khôi phục. Tuy vậy việc khôi phục lễ hội cả về hình thức và nội dung chưa được phong phú và đầy đủ lệ bộ như cũ, nhưng đã đem đến cho miền quê này sự khởi sắc văn hoá, được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về cơ bản vẫn theo lệ cũ, cụ thể là một năm có hai kỳ lễ hội:
- Kỳ thứ nhất: Từ ngày 10 đến hết ngày 11 tháng 2 âm lịch, kỷ niệm ngày sinh của Quan Lớn Tuần Tranh.
- Kỳ thứ hai: Từ 20 đến hết ngày 21 tháng 8 âm lịch , mở theo hội đền Kiếp Bạc nơi thờ Trần Hưng Đạo, và ngày tiệc quan 25 tháng 5.
Lễ hội đền Tranh là một trong những lễ hội lớn nhất tại Hải Dương, có sức hút du khách thập phương về chiêm bái. Trong khuôn khổ của lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động như, hát văn (một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền), đồng thời là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng dân gian. Nhiều hoạt động khác như, các trò chơi dân gian của phần hội cũng được khôi phục. Các nghi thức lễ rước bộ và nghi thức tế mẫu (nghi lễ tế cung đình) cũng được diễn ra trang trọng bên cạnh như trò chơi dân gian đặc sắc.
Bùi Văn Cường
 Từ khóa: ĐẾN TRANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây