Bảo tồn và phát triển rối nước xứ Đông

Thứ năm - 28/01/2016 13:58 761 0
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian mang đậm tính truyền thống, ra đời từ nền nông nghiệp lúa nước, gắn bó mật thiết với đời sống người nông dân, và chỉ có ở Việt Nam. Hầu hết các nghệ nhân múa rối nước đều xuất thân từ nông dân, nội dung của các vở diễn cũng xoay quanh chủ đề sinh hoạt và sản xuất của người nông dân. Hải Dương là một trong những tỉnh có các phường múa rối nước nổi tiếng, tiêu biểu nhất là phường múa rối nước xã Thanh Hải (Thanh Hà), phường rối xã Lê Lợi (Gia Lộc) và phường rối xã Hồng Phong (Ninh Giang).

Nếu như trước kia, rối nước được biểu diễn để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân tại địa phương, với những vở diễn đơn giản nhưng không kém phần đặc sắc thì ngày nay, rối nước được giới thiệu đến đông đảo người xem trong cả nước, cũng như bạn bè quốc tế, với những vở diễn được dàn dựng công phu, khai thác thêm các nội dung phù hợp với cuộc sống đương thời. Tuy nhiên, giống nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, rối nước Hải Dương đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Di sản văn hóa phi vật thể của Hải Dương

Múa rối nước ở tỉnh ta đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ đợt 1, năm 2012. Chủ thể văn hóa của di sản này là nhóm nghệ nhân của ba phường rối nước thuộc các xã: Thanh Hải (Thanh Hà), Lê Lợi (Gia Lộc) và Hồng Phong (Ninh Giang).

Các phường rối nước ở Hải Dương đều có truyền thống hàng trăm năm. Rối nước xã Hồng Phong theo tục truyền có từ thế kỷ XVII, nhưng theo Hồ sơ di sản, tư liệu của Cục Di sản văn hóa Việt Nam thì rối nước Hồng Phong có từ thế kỷ XIV, được truyền từ Bắc Ninh về thôn Bồ Dương của xã. Rối nước xã Lê Lợi có từ thời Lý (thế kỷ XI-XII) do một vị tướng truyền dạy cho người dân trong làng. Rối nước làng An Liệt, xã Thanh Hải có từ thời hậu Lê. Cả ba phường rối trên đều có các loại hình con rối chủ yếu như chú Tễu, rồng, thuyền rồng, rùa, rắn, cá, lân… Mỗi con rối đều là các tác phẩm nghệ thuật, được các nghệ nhân tạo ra hết sức kì công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Trong các loại con rối, chú Tễu là là hình tượng tiêu biểu cho trò múa rối nước. Mỗi phường rối sẽ căn cứ vào tiết mục biểu diễn của phường mình để tạo ra số lượng, loại hình, quy mô con rối. Con rối được khắc chạm bằng gỗ, thường là gỗ sung vì đây là loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước. Rối được tạc chau chuốt, với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, thể hiện tính cách cho từng nhân vật. Các con rối thường lộ vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và có tính tượng trưng cao. Bên cạnh các loại hình con rối, còn có các đạo cụ âm nhạc phục vụ cho trình diễn rối nước như đàn, trống và các phụ trợ khác như pháo bông, pháo hoa. Nghệ thuật rối nước dùng mặt nước, nhà rối hay thủy đình làm sân khấu. Thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao, với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò, để điều khiển con rối. Thủy đình di động, có diện tích khoảng 30m2, xưa thường được làm bằng tre, nứa, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng (hàng mã) và tên phường rối... Ngày nay, ở cả 3 phường rối nước, thuỷ đình đều được xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chắc chắn trên các ao làng. Mức nước đảm bảo là 0.8m, được hòa phẩm màu xanh lục. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò.
 

20151204094404 dulich2

Phường múa rối nước Bùi Thượng (xã Lê Lợi, Gia Lộc, Hải Dương)

Trải qua hàng trăm năm, các phường rối nước không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, liên tục sáng tạo các vở diễn mới và không ngừng đào tạo thế hệ kế cận. Những năm gần đây, múa rối nước ở Hải Dương đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm, bảo tồn như đầu tư trang, thiết bị, dựng tiết mục, tổ chức liên hoan cấp tỉnh (2 năm một lần), tổ chức các lớp chuyển giao kỹ năng, gắn hoạt động biểu diễn rối nước với các tour, tuyến du lịch, tạo điều kiện cho các nghệ nhân trình diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Các nghệ nhân của 3 phường rối nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng luôn có ý thức và hành động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa đặc sắc này tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tiêu biểu nhất là phường múa rối Thanh Hải, liên tục đạt các giải cao nhất của các liên hoan múa rối nước trong tỉnh cũng như toàn quốc. Đặc biệt, năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phường múa rối nước Thanh Hải đã vinh dự được mời tham dự và biểu diễn phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh của phường rối Thanh Hải mà còn là sự tự hào chung của tỉnh Hải Dương, nơi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Phường rối nước Hồng Phong cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch do các công ty du lịch ở Hà Nội đưa về. Những tháng cao điểm phường rối biểu diễn khoảng 40-45 suất, còn bình thường khoảng 25 suất mỗi tháng. Mật độ biểu diễn không thua kém các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nỗi lo của các nghệ nhân phường rối

Tỉnh ta rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật rối nước. Các phường rối nước được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đề án bảo tồn; được quỹ Ford, và hiệp hội Múa rối nước Việt Nam UNIMA giúp đỡ, hỗ trợ duy trì hoạt động. Tuy nhiên, các phường múa rối vẫn trăn trở làm thế nào để giữ nghề, truyền nghề. Trong các phường rối nước thì phường rối Hồng Phong vẫn đang duy trì hoạt động tốt, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh, cũng như khách du lịch; phường rối Thanh Hải thưa dần các hoạt động, còn phường rối Lê Lợi gặp không ít khó khăn.

Những khó khăn chung của ba phường đó là kinh phí hoạt động, các trang thiết bị biểu diễn đều đã cũ, số ít không thể sử dụng được ảnh hưởng đến việc dàn dựng tiết mục biểu diễn, muốn đầu tư mới thì không dễ dàng có kinh phí. Nhiều nghệ nhân vì say nghề, yêu nghề đã tự bỏ tiền túi ra để làm các con rối, nhưng hầu hết các nghệ nhân đều là người nông dân, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân bây giờ cũng không còn gắn bó với nghề, vì nỗi lo kinh tế. Nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là đào tạo lớp người kế cận.

Những người thực sự say mê nghề múa rối nước đa phần đều ở tuổi “gần đất xa trời”, còn gắn bó được ngày nào hay ngày ấy. Những nghệ nhân lão luyện này cũng không ngừng tìm kiếm, đào tạo lớp trẻ nhưng điều đó cũng không phải dễ dàng. Anh Phạm Khắc Xoa, tuổi mới ngoài 40 nhưng đã làm trưởng phường rối Thanh Hải chia sẻ: “Thực sự bây giờ tìm lớp người trẻ kế cận rất khó khăn, các em học sinh thì phải học tối ngày, nghỉ hè cũng phải học thêm nên không có thời gian học nghệ thuật rối nước. Nhiều phụ huynh không muốn con cháu mình theo nghề, vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Thanh niên trong làng hầu hết lo làm ăn kinh tế ở xa, thậm chí làm cả ngày nghỉ. Cũng nói thật rằng, theo nghề múa rối nước là vì yêu nghệ thuật dân gian chứ để làm giàu bằng nghề này là điều không thể”.

Ông Đinh Văn Phai, Trưởng phường rối Lê Lợi cho biết: “Phường hiện có 18 diễn viên, tuổi từ 27-51. Mọi người đều có công việc riêng bận rộn, trong khi nghề biểu diễn rối không làm ra tiền, lại mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự say mê, nhiệt tình rất cao nên ít người mặn mà. Nhiều nghệ nhân trong phường không chịu khó tìm tòi, sáng tạo, sự kết hợp giữa bộ phận trên bờ và dưới nước thiếu ăn khớp, thuần thục, nên các tích trò dần mai một. Tay nghề của diễn viên phụ họa làm sinh động con rối còn kém”.

Ở phường rối Hồng Phong cũng gặp khó khăn tương tự. Một nghệ nhân cao tuổi nhất của phường rối Hồng Phong cho biết thêm: “Phường rối Hồng Phong hiện có 18 nghệ nhân, người ít tuổi nhất cũng vào độ tuổi 50,nghệ nhân biết chế tạo rối chỉ có 5 người. Những người trẻ tuổi trong làng không thích theo nghề rối vì thu nhập thấp, mỗi buổi biểu diễn chỉ được khoảng 50.000 đồng”. Các nghệ nhân đều lo lắng sẽ khó có đội ngũ kế nghiệp sau.

Nghệ thuật rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian chỉ có Việt Nam, không chỉ được người dân trong nước yêu thích mà nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú với loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Giống như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác như chèo, tuồng, cải lương,… múa rối nước đang gặp phải nguy cơ mai một. Thiết nghĩ rằng bên cạnh việc cấp kinh phí để các phường rối hoạt động, phát triển múa rối nước gắn với du lịch,  chúng ta cần phải có những biện pháp làm sao để truyền tải lòng yêu nghệ thuật dân gian Việt Nam, cụ thể ở đây là múa rối nước đến với lớp trẻ. Chúng ta đã thực sự quan tâm đến điều này chưa? Tại sao ngày nay lớp trẻ dễ dàng tiếp thu các môn nghệ thuật hiện đại, dễ dàng học thuộc nhiều bài hát, hay bắt chước phong cách một nghệ sỹ nước ngoài nào đó mà lại thờ ơ, thậm chí quay lưng với nghệ thuật dân tộc. Điều đó xuất phát từ giáo dục mà ra.

Học sinh bây giờ dường như phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm nên không có thời gian “hành”, vì thế các em thiếu hụt nhiều kiến thức thực tế. Tại sao chúng ta không cho các em đi tham quan, trải nghiệm và xem các buổi biểu diễn múa rối nước. Nếu chúng ta chỉ giảng giải “xuông” thì các em sẽ không thể nào hình dung được, và từ đó cũng không nảy sinh lòng yêu thích. Nên khuyến khích các em có đam mê, vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ học, có thể cho các em học nghề từ các nghệ nhân trong phường thay vì bắt các em đi học thêm. Chính thế hệ trẻ là người kế cận, người mang nghệ thuật rối nước của Việt Nam đến với thế giới trong thời kỳ hội nhập ngày nay.

                                                                                                   Tăng Bá Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây