Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Án sát Bùi Đình Trí (裴廷智)
Thứ hai - 15/01/2024 16:542300
Hải Dương là nơi địa linh nhân kiệt, giới sử học đã để nhiều công sức sưu tầm nghiên cứu nhưng không thể biết tất cả. Vài năm trước khi phát hiện tư liệu về Thượng thư Đoàn Đình Duyệt, người Ninh Giang, sau khi hội thảo đã xác định ông là nhân vật lịch sử tiêu biểu đầu thế kỷ XX của đất nước.
Năm 2023, khi đi nghiên cứu di tích lịch sử tại Hà Nam, ông Nguyễn Thế Vinh, cán bộ nghiên cứu văn nghệ dân gian địa phương cho biết, Cử nhân Bùi Đình Trí, từng làm Tri phủ, phủ Lý Nhân, có nhiều công lao với nhân dân và Nho sĩ địa phương, việc ấy đã được ghi trên văn bia. Ông Vinh nhờ chúng tôi nghiên cứu tiểu sử nhân vật này. Qua nghiên cứu tư liệu, biết Bùi Đình Trí là người xã An Lý, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang. Gần đây, chúng tôi xuống huyện Ninh Giang, nhờ Trưởng phòng văn hóa, dẫn xuống xã Hưng Long, gặp chủ tịch xã là người họ Bùi nên khá thuận lợi, tại đây có anh Bùi Văn Tuyền, Trưởng ngành I, họ Bùi. Từ Ủy ban về thôn An Lý, vào nhà trưởng chi 3, tức chi của cụ Bùi Đình Trí. Ở đây còn gia phả họ Bùi, do cử nhân Bùi Đình Trí biên soạn, đồng thời cũng là niên biểu của ông, nhưng trong họ thường gọi là cụ Án, tức Án sát thời Nguyễn mà không gọi là cụ Cử như thường lệ.
Cuốn gia phả, được viết từ 4 đời trước Cử nhân Bùi Đình Trí cho đến các đời sau, công trình được bắt đầu từ ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mùi, Tự Đức thứ 12 (1859) đến năm Canh Thân (1860). Phần còn lại, hậu dụê tục biên. Lời tựa viết: “Trộm nghe, Trình từ(1) nói rằng: “Hòa tôn tộc, hậu phong tục khiến người không quên gốc, nên phải biên chép rõ ràng, đời trước nối đời sau thế nào”. Họ ta đời ấy gây dựng lưu truyền đến con cháu ngày nay, nghĩ cũng đã hậu. Gia phả đời trước từ cuối triều nhà Lê bị lạc mất cả, cho nên không được tường tận. Đến năm Mậu Ngọ, Minh Mệnh thứ 11(1830), ta làm chức Quản đạo ở Quảng Trị, cáo bệnh về mới viết từ ông cao, tằng, tổ khảo, tỷ, kịp ghi cả mọi người bên nội, bên ngoại, đời thứ, sự tích, giải bày trước sau, lại viết nối những công việc ta làm thật thứ tự từng năm mà biên chép, họp lại làm một cuốn gia phả, giao cho con trưởng và các con thứ mỗi người một bản, đời ấy, đời khác truyền đi, khiến con cháu mình về sau được hưởng phúc thừa mãi mãi, lòng ta rất muốn cho con cháu ta hãy nhân gia phả này đời nào cũng biên tiếp mãi mãi. Niên hiệu Tự Đức thứ 12, Kỷ Mùi, mùa Đông, tháng Mười, ngày Sóc (mồng một tháng 10 năm Kỷ Mùi, Tự Đức 12 (1859)). Gia phả rất dài, ở đây chỉ lược ghi những sự kiện liên quan đến tiểu sử quan Án sát. Bùi Đình Trí đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), nguyên chức Quản đạo tỉnh Quảng Trị. Bùi Đình Trí, tự Huệ Đình, hiệu Ngu Đình viết. Năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851) ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Lý Nhân (gồm các huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Nam Xang). Ông sinh ở xã Phượng Hoàng (Phù Nội, Thanh Miện), giờ Mùi, ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thìn (1808), sau mới chuyển về nguyên quán An Lý. Tiên khảo đặt tên là Tam, lấy nhẽ ông là con trai thứ ba. Năm 8 tuổi đi học vỡ lòng, năm Bính Tý (1816), 9 tuổi về nguyên quán (An Lý), học Đường huynh (anh thúc bá) từng làm Tư vụ bộ Hình triều Lê. Năm 16 tuổi, học Cử nhân triều Lê là Đỗ Huy Lâm, người xã Bao Trung, huyện Gia Lộc. Năm 18 tuổi, Minh Mệnh thứ 6, Ất Dậu (1825), học ông Hương cống, giáo thụ phủ Ninh Giang, người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 19 tuổi, học Hương cống, đốc học tỉnh Hải Dương, người xã Thượng Mão, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 10 cùng năm, lấy vợ tên là Đào Thị Tân, sinh năm Tân Mùi (1811). Ngày 8 tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), từ đó về quê chịu tang, gia đình thật gian khổ. Tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), tức một năm sau, người anh cả, từ thành Gia Định trở về thì việc tang gia đã xong lâu rồi. Năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 13 (1831), thi Hương. đỗ Sinh Đồ, tức chỉ trúng trường ba. Ba năm sau, năm Giáp Ngọ, Minh Mệnh thứ 16 (1834), 27 tuổi, đỗ Cử nhân, trước gọi là Hương cống. Khoa ấy lấy đỗ 9 người, Hải Dương 3 người, Nam Định 5 người, Hưng Yên 1 người. Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), phụng quyền nhiếp huyện Đại An, tháng 9 phụng sơ khảo trường thi (hương) Hà Nội, quyền nhiếp huyện Thanh Quan (4 tháng). Năm Quý Mão, Thiệu Trị thứ 3 (1843), quyền nhiếp huyện Đại An., tháng 9, phụng sơ khảo trường thi Hà Nội. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) là Hâu bổ tỉnh Cao Bằng. Quan địa phương muốn giữ lại lâu dài vì quan cai trị tốt nhưng không đủ thủ tục. Năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), 40 tuổi, ngày 10 tháng 7, được bỏ nhiệm làm Tri huyện, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm Mậu Thân (1848), sung chức sơ khảo trường thị Nghệ An, Hà Nội. Năm Kỷ Dậu (1849), được Cử nhân Vũ Hầu Duệ, người xã Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương), làm quan Tả thị lang, bộ Hình, dẫn vào kinh, triều kiến. Ngày 7 tháng 10, phụng châu phê, cho làm chức Tri phủ. Ngày 17 tháng 11 cùng năm được bổ nhiệm là Tri phủ, phủ Lý Nhân, khi đó thuộc tỉnh Hà Nội, trước thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851), phụng mệnh đồng lĩnh việc kho phủ Lý Nhân, trưng thu thuế lệ 6 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục, Nam Xang, Phú Xuyên. Năm Quý Mão, Tự Đức thứ 6 (1853), lấy số sinh ở phủ Lý Nhân, Năm Giáp Thìn, Tự Đức thứ 7 (1854), 47 tuổi, quan Hiệp biện Đại học sĩ, kiêm trị lĩnh Thái lang các tỉnh là Cử nhân Nguyễn Đăng Giai, tâu rằng ông là người thanh bạch, siêng năng, nên ngày 26 tháng 3 thăng làm Giám sát ngự sử tỉnh Quảng Bình. Năm đó về quê công đức 400 quan tiền và 2 mẫu ruộng giúp làng sửa đền. Năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855), phụng phái đi liêm phóng tỉnh Quảng Nam, phụng châu phê rằng: Bùi Đình Trí…là người làm việc nhanh nhẹn, học nết khá khen, có thể là bình hạng (hạng tốt), xứng đáng làm việc giữ ấn (giữ con dấu). Năm Bính Thìn, Tự Đức thứ 9 (1856), thăng chức Thự quản đạo Quảng Trị, trong quản hạt 5 huyện, ngoài thống nghiếp 9 châu. Năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), quan đình thần khen ông mọi nhẽ. Tháng 5 năm đó, ông bị bệnh, xin về quê điều trị. Năm Canh Thân, Tự Đức thứ 13 (1860), ông khỏi bệnh, ngày 24 tháng 2 về Kinh đô nhận nhiệm vụ. Kể từ đây, niên biểu của ông do hậu duệ tục biên. Ngày 19 tháng 3 cùng năm, nhậm chức Thự kinh kỳ giám sát đạo trưởng, ân Giám sát ngự sử. Năn Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862), thụ hàm Hàn lâm viện thị độc, trật chánh tứ phẩm, nhưng lĩnh chức quản đạo. Ngày 15 tháng 3 cùng năm, nhậm chức Án Sát tỉnh Nghệ An (trật chánh tứ phẩm). ÁN sát tương đương chức tỉnh phó, giữ việc hình sự. Năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863), ngày 8 tháng Giêng, ông mất tại sảnh thự tỉnh Nghệ An, hưởng thọ 56 tuổi. Tháng 2 cùng năm rước linh cữu về quê an táng. Duệ hiệu: Nghệ An tỉnh, Án sát sứ, Đề hình đẳng sứ địa phương, Cao thụ trung thuận đại phu, thụy Đoàn Cẩn, tiểu tự Ngu Đinh, hiệu Đôn Lương. Trước khi sắp về với tổ tiên, ông đọc câu thư rằng: Phù thế công danh hoài thì mộng, Ký sinh phu phát tổng thành không. (Đời là phù du, công danh mãi chỉ là ảo mộng, Sống chỉ là gửi, tấm thân này tất cả cũng bằng không !). Câu thơ trên thể hiện cảm nghĩ trước khi qua đời, thực tế cuộc đời không phải chết là hết mà sự nghiệp còn lại ở con cháu, đối với vĩ nhân thì còn mãi với nhân gian. Đối với An sát Bùi Đình Trí, qua đời gần hai thế kỷ nhân dân vẫn ghi nhận công đức của ông. Hiện nay không chỉ còn cuốn gia phả do ông biên soạn mà còn cả 2 con dấu khi thi hành công vụ đương thời. Như vậy, Cử nhân Bùi Đình Tri là Tri phủ Lý Nhân từ năm 1849, đến năm 1854, trong thời gian 5 năm, ông làm được nhiều việc ở Lý Nhân mà nay còn đọc được trên bia ký đương thời. Qua sơ lược tiểu sử Cử nhân Án sát Bùi Đình Trí, chúng ta biết, ông là người tri thức uyên thâm, thực học, mẫn cán, trung thành, mẫu mực, nên chỉ có bằng Cử nhân mà được đồng liêu kính trọng, triều đình tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách. Đây cũng là bài học quý cho cán bộ ngày nay. Chú thích: (1)- Trình từ đây có thể là câu nói của Trình Di (1033-11-7), học giả thời Bắc Tống, người có nhiều công trình về Lý học.
Tăng Bá Hoành Chủ tịch Hội KH Lịch sử tỉnh Hải Dương